Phiên chợ quê ngày 30 Tết

(ĐTTCO) - Ký ức tuổi thơ tôi luôn đầy ắp những kỷ niệm, những hình ảnh thân thuộc, mộc mạc và bình dị của dòng sông, con đê, khói bếp lam chiều, cánh đồng lúa, lũy tre làng, cánh cò thơ mộng…

Thế nhưng, ký ức đẹp đẽ khó có thể mờ phai là những buổi được theo bà theo mẹ đi chợ, nhất là trong các phiên chợ Tết ngày cuối năm đông vui tấp nập…

Ở quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác vào thời điểm cách đây vài ba thập niên trở về trước, chợ được họp theo phiên, nghĩa là chợ sẽ được họp vào những ngày nhất định nào đấy trong tuần, trong tháng. Thí dụ, nhiều nơi do dân cư đông đúc, nhu cầu mua sắm và trao đổi hàng hóa lớn, nên khoảng cách giữa mỗi phiên chợ 2-3 ngày. Với các làng quê thưa thớt, dân cư ít, các phiên chợ thường cách nhau tới 5 ngày, thậm chí 7 ngày.

Có một ngày duy nhất trong năm tất cả chợ quê đều “phá lệ” để họp đầy đủ, đó là ngày 30 Tết - ngày cuối cùng của năm Âm lịch. Vì thế, chợ quê ngày 30 Tết bao giờ cũng là phiên chợ đông đúc nhất, nhiều hàng hóa nhất và xôm tụ vui nhất…

cho-hoa-4839.jpg
Ảnh minh họa.

Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ tôi ngày ấy, năm nào cũng vậy cứ sắp sửa tới Tết là tôi cũng như lũ trẻ con trong xóm, dưới làng luôn rất háo hức, nôn nao đợi chờ bởi được bà, mẹ, hay anh chị hứa cho đi chợ Tết. Thường lời hứa được nói ra từ mấy hôm trước nên những đứa trẻ như tôi luôn mong mỏi ngày 30 Tết đến thật nhanh.

Đêm trước hôm đi phiên chợ Tết cuối năm, thường tôi không ngủ được vì vui sướng, thao thức và hồi hộp. Mới tờ mờ sáng, khi sương còn nặng hạt, cái lạnh còn tái tê, mọi người trong xóm ngoài làng đã trở giấc và gọi, rủ nhau đi chợ, tiếng nói tiếng cười rộn rã khắp cả đường làng chẳng khác gì đi trẩy hội mùa xuân.

Phiên chợ Tết quê tôi họp ở xã khác trong huyện, cách làng tôi sinh sống khoảng gần chục cây số. Vì vậy dân làng ai cũng phải đi thật sớm để đến chợ mua sắm cho kịp làm mâm cỗ cúng ông bà tiên tổ ngày tất niên. Khi đó chỉ rất ít gia đình có được chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại được xem là khá giả, còn đại đa số người dân quê đều đi bộ tới chợ.

Chợ họp trên khu đất rộng tới mấy mẫu, vậy mà ngày 30 Tết người bán kẻ mua chen chân chật kín. Chợ đông như nêm cối khi người nọ kề vai, chen chân người kia để di chuyển. Chợ Tết năm nào cũng đông vui tấp nập như vậy, vì ngoài nhu cầu mua sắm ra, không ít người vẫn còn có thói quen đi chợ để ngắm không khí Tết ngoài chợ qua hình ảnh của hàng hóa phong phú, và văn hóa bán mua của người dân quê mộc mạc, chất phác thật thà.

Phiên chợ quê ngày 30 Tết không chỉ là nơi mua bán những sản vật vườn quê, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện vui buồn của năm cũ. Cũng chính chợ quê là sợi dây vô hình giúp cho tình làng, nghĩa xóm được xích lại gần hơn.

Dẫu cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay nhưng những phiên chợ tết vẫn mang đến nhiều giá trị văn hóa, nhiều tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Phiên chợ Tết cũng là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Trong phiên chợ ngày 30 Tết, nếu đứa trẻ nào được mẹ mua cho quần áo mới thì thật sự là niềm hạnh phúc. Cái cảm giác được ướm thử quần áo và chọn lấy cho mình ngay tại các quầy hàng ở chợ tết thật là khó tả, nó cứ lâng lâng mãi trong lòng suốt cả phiên chợ và còn nguyên trong tôi suốt mấy ngày sau.

Lúc chợ tan, trên suốt hành trình từ chợ trở về nhà qua các thửa ruộng, trong lúc mọi người lớn vất vả gồng gánh, vác nhiều loại hàng hóanặng nhọc, bọn trẻ chúng tôi tung tăng thỏa thích vừa đi vừa ăn biết bao nhiêu là thứ quà như bỏng ngô, kẹo bột, oản đường, mía, táo, quýt cam, bưởi bòng…

Sau này, khi tôi lớn lên, khu chợ quê ấy đã được đầu tư xây dựng khang trang, với tường bao quy hoạch gọn gàng và những dãy cầu chợ che nắng che mưa, nền cao vững chãi, rộng rãi, các ki ốt chứa được rất nhiều hàng hóa…

Dẫu chợ hiện đại và đẹp hơn nhưng trong tâm trí tôi vẫn luôn mãi lưu giữ hình ảnh của khung cảnh phiên chợ quê với các dãy cầu chợ lợp tranh, mái liêu xiêu, nền đất, bên trong có gian hàng của những người đàn bà hàng xén răng đen nón mê áo vá… Hình ảnh mộc mạc, giản dị, lam lũ của người dân làm nông nghiệp chân lấm tay bùn ngày xưa ấy sao đẹp đến vậy.

Thời gian qua đi, lứa trẻ thơ chúng tôi của một thời kinh tế nhiều khó khăn ngày xưa ấy đã lớn khôn. Tuy đã rời quê lên thành phố học tập từ lâu, không có điều kiện được sống cùng mẹ để thường xuyên đi chợ quê. Thế nhưng năm nào cũng vậy, tôi luôn cố gắng thu xếp công việc để trở về cùng mẹ đi mua sắm trong phiên chợ Tết ngày cuối năm.

Chợ của thời hiện đại bây giờ hàng hóa phong phú đủ đầy, chẳng hề thua kém các chợ hay siêu thị nơi thành phố. Chợ hiện đại, con người cũng ngày một hiện đại… đó là điều tất yếu của một xã hội phát triển.

Chợ tết ngày nay đã không còn nhiều nếp xưa, nhưng những phiên chợ trong ký ức cứ như cuốn phim quay chậm, luôn trở về giữa tâm tư tôi trong những ngày tháng chạp cuối năm. Và trong mông lung chuyện cũ, tôi lại thấy thêm yêu những giá trị văn hóa của cha ông, những lắng đọng tình yêu thương, sự hy sinh, chia sẻ trong năm mới.

Các tin khác