Nhưng, điều đáng khen là tinh thần lăn xả của ê kíp và thông điệp nhân văn mà bộ phim đem lại. Sau buổi chiếu ra mắt trước truyền thông, đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ trên trang cá nhân: “Rừng thế mạng chính là hành trình chữa lành những buồn vui, mất mát của tuổi trẻ”.
Một câu nói ngắn gọn nhưng đã bao quát cả quá trình làm phim để có 94 phút tái hiện trên màn ảnh. Buồn vui và mất mát cũng là 2 từ khóa nổi bật khi nhắc đến bộ phim. Hành trình đi phượt của nhóm 6 bạn trẻ những tưởng sẽ rất vui, nhưng ngay từ điểm khởi đầu đã đầy những lục đục, nghi kỵ, đôi khi là vô cớ. Nó cũng khác với đoạn hồi tưởng của nhân vật chính, bởi nhóm đã từng rất háo hức khi bàn về kế hoạch này trước lúc… nhập cuộc. Nhiều chi tiết về hoàn cảnh, số phận, cách hành xử, đặc biệt là bóng ma quá khứ của nhân vật, chưa được lý giải thỏa đáng. Đặc biệt, lý do đẩy xung đột của hai nhân vật nam chính trong phim chưa hoàn toàn thuyết phục khi họ đã từng thề là anh em sống chết có nhau. Rất có thể, đạo diễn và ê kíp có ý đồ riêng khi chọn mở đầu theo cách ấy.
Nhưng Rừng thế mạng có thể nói là kịp “sửa sai” khi bước vào giai đoạn… mất mát. Lúc này, câu chuyện đã trở lại trọng tâm với các chi tiết mạch lạc, logic hơn. Từ đây, những biến cố xảy đến dồn dập, “ép” tim khán giả phải hồi hộp theo dõi hành trình đi lạc của nhân vật chính. Từng tiếng thở dốc, nhịp đập mạnh của trái tim, sự hoảng loạn trong tâm trí, cơn mơ thon thót giật mình, nỗi đau và ám ảnh quá khứ - hiện tại đan xen… được phô bày trên màn ảnh. Cái kết “bẻ lái” rồi lắng đọng là điểm cộng lớn, đập tan những nghi ngờ và tranh cãi về việc gợi lại nỗi đau từ những sự kiện có thật từng xảy ra.
Huỳnh Thanh Trực, người thủ vai chính của phim, đã có màn hóa thân đủ hóa giải nghi ngờ ban đầu về khả năng diễn xuất. Ngoài việc hy sinh ngoại hình, lăn xả cho các cảnh quay khó mà không cần dùng diễn viên đóng thế, nội tâm nhân vật còn được thể hiện rõ qua từng cử chỉ trên khuôn mặt hay ngôn ngữ hình thể. Xem nhân vật này diễn cũng đủ để khán giả phải đau, thậm chí có thể bật khóc. Trần Phong - Dũng lãng tử của Mắt biếc, dù chưa thật sự nổi trội nhưng đã bước qua cái bóng của vai diễn trước đó. Các diễn viên còn lại trong nhóm đi phượt cũng khá tròn vai.
Rừng thế mạng được giới thiệu là bộ phim sinh tồn đầu tiên của Việt Nam, nhưng yếu tố này chưa được thể hiện đậm nét là điều đáng tiếc, dù đó là chủ ý của ê kíp. Đối với dân phượt hay những ai yêu du lịch từng đến địa điểm này, họ mong đợi nhiều hơn để được thỏa lòng, trầm trồ trước những cảnh đẹp của cung đường trekking (đi bộ dài ngày) được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam. Nhưng đổi lại, bộ phim đặc biệt khắc họa đậm nét không khí kỳ bí, âm u với những khung hình trau chuốt, ấn tượng. Và để có thành quả ấy là sự tâm huyết, liều mình của ê kíp toàn người trẻ.
Nhà sản xuất Hoàng Quân hơn một lần khi được hỏi, nếu có thể làm lại một lần nữa có dám làm không, anh khẳng định chắc nịch là không. “Ngay thời điểm đó, với sự đam mê đó, chúng tôi đã quyết định làm. Đó là một quyết định đầy cảm hứng tức thời và khát khao của bản năng muốn chinh phục. Còn bây giờ khi nghĩ lại, khi đã trải qua rồi, nếu được chọn, có lẽ tôi sẽ không dám làm nữa”, anh chia sẻ.
Điều này dễ hiểu bởi việc chọn bối cảnh “rừng thiêng nước độc”, đảm bảo an toàn cho 120 thành viên đoàn phim không đơn giản. Nếu không có sức khỏe, sự điên rồ của tuổi trẻ và nhiệt huyết, không thể vượt qua những ngày vất vả băng rừng, vượt dốc, đu dây, tắm thác, sống và sinh hoạt trong điều kiện bất tiện kéo dài như thế. Tâm huyết của đoàn phim là điều không thể phủ nhận.
Chuyến hành trình tuổi trẻ của ê kíp ngoài đời thực và các nhân vật trong phim đã về đến vạch đích. Có những sai lầm sẽ phải trả giá, thậm chí rất đắt. Nhưng, trên hành trình ấy, chỉ khi được đặt vào ranh giới sinh - tử, bản thân mỗi người mới khám phá hết sức mạnh phi thường bên trong chính con người mình. Giá trị lớn nhất và thứ còn đọng lại sau cùng, vượt lên tất cả chính là tình thân, tình yêu, tình bạn.