Giấc mơ của mẹ nối tiếp dòng phim về đề tài gia đình Ảnh: ĐPCC
Món ăn đa dạng
Trong tháng 6, có 3 phim truyền hình phía Nam lên sóng gồm: Giã từ những đêm hoang (22 giờ từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần trên kênh HTV9), Vợ quan (19 giờ 45 trên SCTV14) và Nơi ngọn gió ngừng chân (20 giờ thứ hai đến thứ bảy trên THVL1). Đầu tháng 7 này, khán giả tiếp tục đón nhận 2 bộ phim mới được đầu tư lớn là Giấc mơ của mẹ (phát trên nền tảng VieON) và Trại hoa đỏ (phát trên K+).
Đáng chú ý, cả 5 bộ phim nói trên đều thuộc những mảng đề tài khác nhau, hoặc có những hướng khai thác tươi mới cho những câu chuyện tưởng chừng đã cũ. Vợ quan là góc nhìn khác của dòng phim chính luận, khi xoáy sâu vào những câu chuyện hậu trường chốn quan trường. Giã từ những đêm hoang khai thác câu chuyện về thế giới ngầm, nhưng vẫn đậm chất tâm lý, xã hội. Nơi ngọn gió ngừng chân là cuộc chiến tình - tiền nhưng dai dẳng và kéo dài qua nhiều thế hệ.
Trong khi đó, màu sắc bí ẩn, ly kỳ trở thành điểm nhấn đáng chờ đợi trong Trại hoa đỏ. Riêng với Giấc mơ của mẹ, nói như đạo diễn Nguyễn Minh Chung: “Tôi hy vọng bộ phim sẽ đem lại niềm vui nho nhỏ cho khán giả. Mong rằng nó có thể giúp con cái thêm yêu cha mẹ và gia đình hơn, các bậc làm cha mẹ có suy nghĩ tích cực hơn với con”.
Có một điểm chung, hầu hết các bộ phim nói trên đều được thực hiện trong thời điểm đại dịch Covid-19 căng thẳng nhất và ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ sản xuất. Theo đạo diễn Nhâm Minh Hiền, phim Vợ quan chỉ còn khoảng 10 ngày quay là kết thúc thì dịch bệnh ập đến và phải tạm dừng gần 4 tháng. Đoàn phim Giấc mơ của mẹ quay được 2 ngày phải tạm ngưng gần 5 tháng. Khi đoàn phim trở lại làm việc thì tiếp tục đình trệ vì hầu hết các thành viên mắc Covid-19, khiến thời gian quay dự kiến chỉ 8 tháng phát sinh lên đến một năm rưỡi. Tương tự, Giã từ những đêm hoang bấm máy khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên bùng phát năm 2020. Phim may mắn hoàn thành phần ghi hình, nhưng đến giai đoạn hậu kỳ thì dịch bệnh trở lại.
Tìm lối đi mới
Không ngạc nhiên khi 3/5 bộ phim đã và sắp lên sóng nói trên là các tác phẩm chuyển thể. Giấc mơ của mẹ được làm lại từ một bộ phim truyền hình đình đám năm 2015 - All about My Mom của Hàn Quốc. Trong khi đó, Vợ quan được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Trung Quốc, còn Trại hoa đỏ phát triển từ tiểu thuyết trinh thám, kinh dị của nhà văn Di Li.
Theo biên kịch Trần Duy Linh, quá trình chuyển thể kịch bản Giấc mơ của mẹ không quá phức tạp. Anh muốn mang đến một bộ phim tình cảm gia đình mang màu sắc Việt Nam một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Là người lựa chọn kịch bản và đưa cho đội ngũ biên kịch Việt hóa, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, người đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo bộ phim, cũng cho biết: “Phim remake không dễ nhưng cũng không khó để Việt hóa. Điều này hoàn toàn dựa vào sự bình tĩnh của những người chuyển thể và không nên quá bám theo kịch bản gốc”.
Đó cũng là tinh thần được đạo diễn Nhâm Minh Hiền và nhóm biên kịch của mình xác định trong quá trình thực hiện Vợ quan. Theo anh, tình tiết từ tiểu thuyết gốc chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là thành quả của sự lao động sáng tác từ nhóm biên kịch. Quá trình chuyển thể kéo dài khoảng 2 năm, trong đó riêng thời gian phát triển câu chuyện thành đề cương hoàn chỉnh mất gần một năm. “Sở dĩ quá trình chuyển thể kịch bản công phu là vì nếu giữ nguyên câu chuyện gốc để làm thành phim, thời lượng chỉ kéo dài khoảng mười tập là hết. Tuy nhiên, ở phiên bản gốc lại có khá nhiều tình tiết, mối quan hệ đan xen giữa các nhân vật khá thú vị mà tác giả chưa khai thác hết”, đạo diễn Nhâm Minh Hiền cho biết.
Theo đạo diễn Đỗ Khoa, dù khai thác đề tài về thế giới ngầm, xã hội đen nhưng Giã từ những đêm hoang không nhiều những pha hành động mà đi sâu vào diễn biến tâm lý phức tạp của các nhân vật. Phim bật lên thông điệp sự đùm bọc và lương thiện mang đến những tia nắng ấm áp, có sức mạnh cảm hóa cái xấu, cái ác. Tương tự, cũng là cuộc tình tay ba và ân oán kéo dài nhiều thế hệ nhưng Nơi ngọn gió ngừng chân vẫn thu hút khán giả bởi những tình tiết tươi mới và những kịch tính được đẩy lên qua từng tập phim.
Ngoài những bộ phim có trên sóng, thị trường sản xuất phim truyền hình phía Nam vẫn đang rất sôi động khi hàng loạt dự án mới đã và đang bấm máy. Có thể kể đến: Mặt trời mùa đông, Vòng xoáy tình thù, Thời mở cửa… Sự khởi sắc của phim truyền hình sau dịch bệnh cũng tạo đà và khí thế mới cho các nhà làm phim.