Xung quanh bộ phim “Nhà bà Nữ” có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng điều rõ ràng nhất là giới làm phim vẫn loay hoay giữa 2 khái niệm phim nghệ thuật và phim thị trường.
Tại tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam”, do Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức ngày 2-3 ở Hà Nội, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đã đề cập đến bộ phim “Nhà bà Nữ” với sự hồ hởi: “Cả nhà tôi đã đi xem bộ phim này hồi Tết. Xem xong phim tôi thấy có nhiều suy nghĩ trong quan hệ, cuộc sống gia đình. Thật mừng là phim Việt sống được ngay trong lòng người Việt, trong các rạp phim, thu được gần 500 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 100 tỷ đồng, một sự đóng góp quý báu”.
Bộ phim “Nhà bà Nữ” đã phá kỷ lục của bộ phim “Bố già” đạt doanh thu 400 tỷ đồng do chính danh hài Trấn Thành thiết lập cách đây 2 năm. Bộ phim “Nhà bà Nữ” do Trấn Thành viết kịch bản và dàn dựng không cần có sự hỗ trợ của đạo diễn chuyên nghiệp. Bộ phim “Nhà bà Nữ” thu hút khán giả chỉ đơn giản nhờ độ nóng tên tuổi của danh hài Trấn Thành chăng?
Rất thẳng thắn, Trấn Thành chia sẻ: “Với ảnh hưởng của tôi, tôi có thể dễ dàng đạt thành công. Nhưng làm sao có được ảnh hưởng, đó là câu hỏi rất lớn. Liệu bạn có ảnh hưởng mãi sao? Người khác sẽ chán và rời xa nếu bạn dở tệ hơn. Họ chỉ ở lại nếu Trấn Thành ra được những sản phẩm hay, mang lại sự giải trí tốt”.
Doanh thu khủng của bộ phim “Nhà bà Nữ” thực sự khiến nhiều người cảm thấy khó tin. Phải chăng, thị hiếu điện ảnh đang dễ dãi đến mức phải ái ngại? Trái ngược với bộ phim “Nhà bà Nữ” là bộ phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ra mắt trước đó. Được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng bộ phim “Tro tàn rực rỡ” chỉ thu được 4 tỷ đồng và lặng lẽ rời rạp.
Chính Trấn Thành cũng đi xem bộ phim “Tro tàn rực rỡ” và bày tỏ sự kính trọng đối với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: “Tro tàn rực rỡ thực sự là phim quá nghệ thuật. Ngôn ngữ điện ảnh đỉnh cao”. Người làm phim đạt doanh thu gần 500 tỷ đồng lại “thực sự bái phục” người làm phim đạt doanh thu 4 tỷ đồng, nên hiểu thế nào cho thấu đáo?
Rõ ràng, thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Giới trẻ là lực lượng chủ lực đến rạp xem phim, vẫn có sự lựa chọn của riêng họ. Dường như họ không thích những bộ phim phải suy ngẫm, mà chỉ cần thưởng thức sự vui nhộn hay sự bát nháo được phơi bày trên màn ảnh.
Song nói đi phải nói lại, phim nghệ thuật làm xong đem cất vào kho thì vô dụng. Còn phim thị trường mà mải mê với những chiêu trò câu khách cũng chẳng có ích gì cho đời sống tinh thần của xã hội.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập, người từng có kịch bản phim “Đời cát” lừng danh một thời, cho rằng: “Nếu Trấn Thành tiếp tục thành công như “Bố Già” và “Nhà bà Nữ”, anh sẽ người Việt đầu tiên nhờ làm phim mà giàu có. Nghe nói Trấn Thành đang phấn đấu để được người trong nghề thừa nhận, tôi lại hơi lo lo”.
Theo sự đánh giá của nhà văn Nguyễn Quang Lập, điện ảnh có 2 loại, là làm phim vì lợi nhuận và làm phim vì nghệ thuật. Cả 2 đều đáng trọng. Nếu biết và làm được phim thu được lợi nhuận cao (không phải nhờ may mắn) đó là biết làm phim, thậm chí làm phim giỏi.
Đừng nghĩ người làm phim hay mới là người làm phim giỏi. Người làm phim thu được lợi nhuận cao cũng là người làm phim giỏi. Theo đó, Bùi Thạc Chuyên là đạo diễn giỏi, Trấn Thành cũng là đạo diễn giỏi, thậm chí còn giỏi hơn Bùi Thạc Chuyên.
“Tôi có thể làm phim hay như Bùi Thạc Chuyên, hoặc hay hơn, nhưng không thể làm phim ăn khách như Trấn Thành. Làm phim ăn khách là cái tài trời cho, quý hóa vô cùng. Nếu Trấn Thành muốn làm phim vừa ăn khách vừa hay như phim Bùi Thạc Chuyên, chắc chắn anh sẽ chuốc lấy thất bại. Vậy nên xin Trấn Thành tiếp tục dòng phim ăn khách”.
Chắc chắn 2 khái niệm phim nghệ thuật và phim thị trường vẫn còn tiếp tục gây mâu thuẫn trong giới điện ảnh nước nhà, trừ khi tất cả xác định được mục tiêu chung của tác phẩm là hướng đến công chúng và nâng cao thẩm mỹ cho công chúng.
Chính Trấn Thành với tư cách nhà sản xuất, đã rút tỉa được “bí quyết” để có bộ phim thành công về doanh thu, bao gồm 3 yếu tố. Thứ nhất, phải tìm được góc độ thú vị của vấn đề để khai thác, bởi nếu không đạt điều đó làm cái gì cũng sẽ dở. Thứ hai, luôn có khao khát được kể điều đó, động lực để kể một cách trau chuốt, hay nhất và chi tiết nhất. Thứ ba, quan trọng không kém là phải có những góc nhìn mới lạ, lần đầu xuất hiện, mà để đạt điều này nhà làm phim phải luôn nhìn thấy sự thú vị với mọi thứ mình tiếp xúc và luôn trăn trở với nó.
Như vậy, chủ đề chỉ là một phần để tiệm cận khán giả. Một bộ phim hấp dẫn phải đến từ cách làm hấp dẫn.
Bộ phim “Nhà bà Nữ” không chỉ nhận được sự quan tâm của khán giả trong nước, còn được nhiều nhà phát hành phim quốc tế. Tuy nhiên, một thông tin hơi băn khoăn là bộ phim “Nhà bà Nữ” xuất ngoại với tên gọi “Ngôi nhà không có đàn ông” (The house of no man).
Tại sao lại thế? “Ngôi nhà không có đàn ông” là tên vở kịch rất nổi tiếng của nhà văn Ngọc Linh (1935-2002). Kịch bản “Ngôi nhà không có đàn ông” từng được dàn dựng nhiều lần. Nếu bộ phim “Nhà bà Nữ” lấy tên “Ngôi nhà không có đàn ông”, mai mốt vở kịch “Ngôi nhà không có đàn ông” mang ra nước ngoài biểu diễn sẽ lấy tên gì?
Trước đây, bộ phim “Bố già” đã ăn theo tiểu thuyết cùng tên, nay “Nhà bà Nữ” lại muốn xâm phạm bản quyền của vở kịch “Ngôi nhà không có đàn ông” chăng?
Phim nghệ thuật hay phim thị trường cũng phải học cách tôn trọng sự sáng tạo của người khác, như một sự tự trọng tối thiểu trong đời sống văn hóa.