Âm thầm ngồi phía dưới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam liên tục lắc đầu, tay nắm chặt đập vào góc bàn khi nghe doanh nghiệp kể về những quy định bất hợp lý trong ngành thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội.
Cách đây không lâu, ngành thuế cho biết sau khi mạnh tay bỏ nhiều thủ tục theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, số giờ nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm 420 giờ thay vì hơn 800 giờ như trước. Để kiểm chứng, sáng ngày 20/8, một đoàn công tác gồm nhiều chuyên gia cố vấn của Chính phủ đã đến thăm các doanh nghiệp ở Hải Phòng và lắng nghe những phản ánh về thủ tục hiện nay.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là một trong những "chuyên gia đặc biệt" của đoàn công tác gần hai chục người này. Ông mặc sơ mi caro giản dị, luôn đi cuối đoàn, khi họp ngồi lặng lẽ hàng cuối cùng hoặc rìa hai bên cánh và ghi chép rất tỉ mỉ.
Khi nghe đến những than thở của một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Nomura Hải Phòng về thủ tục nhiêu khê hiện nay, ông cứ nắm chặt bàn tay, đấm liên tục vào mép bàn, liên tục lắc đầu thể hiện sự bức xúc. Không biết sự có mặt của Phó thủ tướng, Tổng giám đốc một doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng và nhiều đơn vị khác đã chia sẻ khá thẳng thắn về những phàn nàn của đối tác nước ngoài quanh chuyện hóa đơn chứng từ và các thủ tục nhiêu khê của Việt Nam.
Theo quy định, doanh nghiệp phải xuất trình được hóa đơn gốc trong mua bán từ nước ngoài nếu muốn được tính đó là khoản chi phí hợp lý. Nhưng theo lãnh đạo này, đơn vị này mỗi năm phải có tới 8.000-9.000 hóa đơn, riêng chi phí chuyển fax nhanh từ nước ngoài về số hóa đơn này đã mất 3-4 tỷ đồng một năm. Tuy nhiên, bà cho biết, với đối tác Mỹ, châu Âu rất khó để đòi hóa đơn và để họ hiểu quy định của Việt Nam. "Không ít lần họ đã dọa sẽ không hợp tác tiếp nếu cứ yêu cầu lắm giấy tờ, hóa đơn như vậy", vị này kể.
Trong trường hợp bị mất hóa đơn - là tài sản của doanh nghiệp theo cách nói của ông Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý trung ương (CIEM) - doanh nghiệp lại phải đi đi lại 3 lần lên cơ quan thuế, mất thời gian và thậm chí còn bị phạt.
Chia sẻ với doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - thừa nhận chế độ kế toán của Việt Nam hiện vẫn "tôn sùng hóa đơn" và hứa sẽ kiến nghị để sửa quy định này để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo các doanh nghiệp, nếu tạm xếp hạng, ngành hải quan được đánh giá có những động thái cải cách và thay đổi nhiều nhất trong thời gian qua. Tiếp đến là ngành thuế và chậm cải cách nhất là khu vực bảo hiểm xã hội. Mặc dù vậy, câu chuyện thật của doanh nghiệp ở Hải Phòng về sự tham gia không cần thiết của hải quan vẫn khiến cả đoàn vừa buồn cười vừa cảm thấy chua xót.
Đại diện một doanh nghiệp nước ngoài kể có thuê một công ty nội địa gia công máy móc nhưng theo quy định hiện hành, việc này cần phải chờ kết luận kiểm tra năng lực sản xuất của đơn vị gia công do... phía hải quan thực hiện. "Để có kết luận của hải quan thì rất lâu trong khi bản thân chúng tôi chỉ quan tâm kết quả sản phẩm gia công có đúng như yêu cầu của mình không. Chúng tôi muốn nội địa hoá càng nhiều càng tốt nhưng những thủ tục như vậy càng làm cản trở các doanh nghiệp nước ngoài", đại diện một công ty kể để lý giải tại sao Việt Nam vẫn không làm nổi con ốc vít cho Samsung.
Việc thanh lý máy móc của doanh nghiệp chế xuất nếu làm đúng theo quy định cũng không phải đơn giản. Chia sẻ với đoàn chuyên gia, đại diện một công ty FDI kể, nếu muốn thanh lý kìm, mỏ lết đã hỏng, họ phải tìm lại trong đống chứng từ chiếc mỏ lết này mua ở hợp đồng, hóa đơn nào. "Quy định này chỉ nên áp dụng với máy móc có giá trị lớn chứ đừng nên với từng cái kìm, mỏ lết như vậy làm chúng tôi phải đau đầu tìm cách quản lý, theo dõi công cụ hỏng", vị này kể.
Nghe đến đây, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế phải thốt lên: "Đến giờ này vẫn vậy thì sắp tới tham gia một loạt các FTA, các hiệp định sẽ như thế nào". Ngồi bên cạnh, ông Nguyễn Đình Cung nhận định: "Những vấn đề tưởng đơn giản nhưng hệ quả của nó là khiến Việt Nam tự đẩy mình ra khỏi cuộc chơi hội nhập".
Trao đổi với lãnh đạo thành phố Hải Phòng ngay sau cuộc "vi hành", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự xót xa và buồn lòng về những câu chuyện "tưởng chừng đơn giản" này. "Đi thực tế và để doanh nghiệp thoải mái chia sẻ như thế này mới thấy rằng thực tiễn khác nhiều các báo cáo. Vì không có thực tiễn nên nhiều văn bản, quy định Chính phủ đưa ra dù mục đích ban đầu là hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cuối cùng lại thành làm khó họ", Phó thủ tướng nhận xét.
Bên cạnh đó, đại diện Chính phủ cũng tỏ ra trăn trở về tâm lý "sợ" góp ý của doanh nghiệp. "Doanh nghiệp không dám nói khó khăn với cơ quan thuế, nói với ban quản lý công nghiệp thì lại được trả lời là cứ áp dụng theo Thông tư, quy định của các Bộ. Theo tôi quan trọng nhất cần phải tạo cơ chế để cho doanh nghiệp góp ý với chính quyền. Còn các doanh nghiệp, các bạn yên tâm sẽ luôn được lắng nghe", ông chia sẻ.
Trên thực tế, ông Vũ Đức Đam thông tin thêm, hiện các doanh nghiệp có thể yên tâm đóng góp ý kiến, phản hồi nặc danh trên cổng thông tin điện tử. "Đây là cổng thông tin độc lập, do chuyên gia Phạm Chi Lan quản lý chứ không phải Chính phủ. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm nêu ý kiến", ông Đam cho biết.
Nghị quyết 19 của Chính phủ về nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016 được đưa ra ngay sau khi báo cáo của World Bank cho biết, tổng số giờ một doanh nghiệp phải nộp thuế trong năm 2013 lên tới 872 giờ, cao nhất so với các nước trong khu vực. Nghị quyết 19 được xem là một trong những văn bản thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ trong nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam trong mắt thế giới.