Ông Hàn Chính, người phụ trách giám sát các vấn đề liên quan đến Hong Kong và Macau, đã gặp đoàn đại biểu quốc hội đến từ đặc khu hành chính Hong Kong tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 24/5, trong khuôn khổ "Lưỡng Hội" đang diễn ra.
"Đừng đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh. Khi đưa ra quyết định này, chúng tôi sẽ triển khai nó đến cùng", Wong Yunk-shan, một thành viên của đoàn đại biểu, dẫn lời phó thủ tướng Trung Quốc.
"Ông Hàn nhấn mạnh rằng quyết định được đưa ra sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng đến lợi ích lâu dài của Hong Kong, và quan trọng hơn, là của nhà nước và quốc gia".
Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính. Ảnh:AP. |
Đài truyền hình quốc gia CCTV đưa tin rằng ông Hàn nói luật sẽ chỉ nhắm vào một số lượng nhỏ những người ủng hộ Hong Kong độc lập và "thế lực đen tối" đứng sau họ. Cụm từ này thường được Bắc Kinh sử dụng để chỉ sự ủng hộ của nước ngoài đối với các phong trào chống chính quyền.
Theo nguồn tin từ cuộc gặp, ông Hàn nói chỉ có 3 nhóm sẽ bị ảnh hưởng - nhà hoạt động ủng hộ độc lập cho Hong Kong, người cực đoan kích động bạo lực và người biểu tình làm tổn hại nền kinh tế thành phố.
CCTV nói phó thủ tướng Trung Quốc cũng đưa ra cam kết đảm bảo hệ thống "một quốc gia, hai chế độ" được áp dụng để điều chỉnh quan hệ giữa Hong Kong và chính quyền trung ương, nói Bắc Kinh sẽ thực thi đầy đủ chính sách này, cũng như nguyên tắc "người Hong Kong quản lý Hong Kong", với sự tự trị ở mức cao.
Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng luật an ninh cho Hong Kong, động thái được cho là qua mặt cơ quan lập pháp của đặc khu này và gây ra quan ngại ở cả Hong Kong lẫn cộng đồng quốc tế.
Luật sẽ cho phép các cơ quan an ninh Trung Quốc hoạt động ở Hong Kong nếu cần thiết và yêu cầu chính quyền Hong Kong thiết lập các cơ quan mới để bảo đảm an ninh.
Hàng nghìn người ở Hong Kong đã xuống đường phản đối việc này cuối tuần qua và cảnh sát đã xịt hơi cay vào người biểu tình.
Hàng ngàn người biểu tình chống dự luật an ninh tại Hong Kong
Hôm 24-5, Reuters đưa tin cảnh sát Hong Kong đã xịt hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông hàng ngàn người tuần hành chống lại ý định của chính quyền Trung Quốc áp đặt các luật an ninh quốc gia lên đặc khu này.
Đợt biểu tình đánh dấu sự trở lại của làn sóng bất ổn. Đám đông tuần hành ở khu vực có nhiều khu trung tâm thương mại ở vịnh Causeway. Họ hô vang khẩu hiệu phản đối các luật này.
Động thái trên diễn ra sau khi có thông tin kỳ họp quốc hội tại Trung Quốc sẽ thông qua các luật an ninh cấm các hành vi để nước ngoài can thiệp hay lật đổ sự quản lý của chính quyền trung ương Bắc Kinh ở đặc khu này.
Tuy nhiên nhiều người Hong Kong lại phản đối động thái này do lo ngại sự can thiệp ngày càng sâu rộng của chính quyền Trung Quốc vào nền tự trị đặc thù của đặc khu, vốn theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Mỹ cho biết kiên quyết phản đối và sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt lên Trung Quốc nếu các luật này được thông qua.
Gần 200 chính trị gia toàn cầu phản đối luật an ninh cho Hong Kong
Hôm 24-5, Reuters đưa tin gần 200 chính trị gia trên toàn cầu đã phản đối và bày tỏ quan ngại trước việc chính quyền Trung Quốc đòi ban hành các luật an ninh áp dụng cho Hong Kong.
Họ cho rằng động thái này sẽ tác động đến vị thế chính trị và kinh tế của đặc khu, đồng thời xâm phạm đến quyền tự trị được Bắc Kinh cam kết bằng mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Trong số những chính trị gia phản đối có 17 thành viên của quốc hội Mỹ. Luật an ninh này tạo ra lo ngại Trung Quốc có thể đặt trụ sở các cơ quan tình báo của chính phủ ở Hong Kong.
Tuyên bố chung được cựu Thống đốc Hong Kong - Christopher Patten và cựu ngoại trưởng Anh - Malcolm Rifkind bảo trợ với sự tham gia ký tên tán đồng của 186 luật gia và các lãnh đạo chính trị trên toàn cầu, nhấn mạnh luật an ninh Hong Kong do quốc hội Trung Quốc ban hành là đòn tấn công toàn diện vào quyền tự trị của thành phố, luật pháp và các quyền tự do cơ bản được quy định trong tuyên bố chung Trung – Anh khi nước Anh trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997.
Tuyên bố chung chỉ trích: “Nếu cộng đồng quốc tế không thể tin tưởng vào khả năng Bắc Kinh giữ lời khi họ được trao trả Hong Kong, mọi người sẽ không dám nghĩ đến những vấn đề khác sẽ được Trung Quốc giữ cam kết”.
Vụ việc diễn ra khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng vì nhiều vấn đề trong đó có dịch Covid-19.
Phía Mỹ chỉ trích việc áp luật an ninh của Bắc Kinh sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế của cả Hong Kong và Trung Quốc, có thể khiến Mỹ phải xem lại những ưu đãi mà họ dành cho Hong Kong nhờ cơ chế đặc thù ở đây.
Đáp lại Bắc Kinh bác bỏ quan ngại của các nước, cảnh báo nước ngoài không được can thiệp vào công việc nội bộ.