![]() |
Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ khép lại quý giao dịch tồi tệ nhất kể từ đáy cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tới nay.
Nợ công châu Âu dai dẳng, xếp hạng tín nhiệm bị hạ và triển vọng kinh tế toàn cầu u ám đã khiến bức tranh toàn cảnh chứng khoán Hoa Kỳ trong quý vừa qua trở nên vô cùng ảm đạm.
Với phiên cuối tuần lao dốc trên 2%, Phố Wall đã có 5 tháng liên tiếp hạ điểm. Nguyên nhân dẫn tới sự đi xuống của phiên này là những số liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc đã khiến nhà đầu tư sợ hãi về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Một lý do khác là cổ phiếu của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley trượt tới 10,5%, gây ra lo lắng về thị trường tín dụng.
Cụ thể, kết thúc ngày giao dịch 1-10 (theo giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones trượt giảm tới 240,60 điểm, tương ứng 2,16%, xuống chốt ở 10.913,38 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 28,98 điểm, tương ứng 2,50%, xuống đóng cửa ở mức 1.131,42 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 65,36 điểm, tương ứng 2,63%, xuống mức 2.415,40 điểm.
Khoảng 8,58 tỷ cổ phiếu đã được chuyển nhượng trên cả 3 sàn New York, American và Nasdaq, cao hơn mức trung bình hàng ngày 7,96 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Trên sàn New York, cứ mỗi 4 cổ phiếu hạ điểm thì chỉ có 1 mã đi lên, còn trên sàn giao dịch Nasdaq, cứ 7 mã đi xuống thì có 2 cổ phiếu tăng điểm.
Trong phiên này chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ tăng bật trên 10% lên 42,96 điểm, mức cao nhất kể từ trung tuần tháng 8 tới nay. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang cảm nhận rằng, phía trước sẽ còn có nhiều bất ổn hơn cần phải đương đầu.
Tính chung cả quý vừa qua, chỉ số S&P 500 mất hơn 14%, tương đương khoảng 1.700 tỷ USD vốn hóa thị trường bị bốc hơi, trong khi chỉ số MSCI All Country World mất khoảng 4.700 tỷ USD trong quý (tính tới hết ngày 29/9). Chỉ tính riêng trong tháng 9 vừa qua, chỉ số S&P 500 đã trượt giảm tới 7%.
Diễn biến cùng chiều với thị trường Hoa Kỳ, các sàn chứng khoán châu Âu đêm qua tiếp tục thoái lui mạnh. Chỉ số FTSE 100 của Anh hạ 68,36 điểm, tương ứng 1,32%, xuống 5.128,48 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 45,69 điểm, tương ứng 1,51% xuống 2.981,96 điểm và chỉ số DAX của Đức trượt 137,56 điểm, tương ứng 2,44%, xuống mức 5.502,02 điểm.
Hầu hết các sàn chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần (30-9), bất chấp những tin tức tốt lành từ Hoa Kỳ và châu Âu, do giới đầu tư tiếp tục tỏ thái độ thận trọng và hoài nghi về tính hiệu quả của Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu vừa được Hạ viện Đức thông qua kế hoạch mở rộng.
Ngoại trừ hai sàn Hàn Quốc và Đài Loan tăng nhẹ lần lượt là 0,02% và 0,6%, phần lớn các thị trường chứng khoán khác đều đi xuống. Chỉ số Straits Times của thị trường Singapore trượt 1,22%. Chỉ số Shanghai Composite của chứng khoán Trung Quốc giảm 0,26% và Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản hạ nhẹ 0,01%.
Đáng chú ý, thị trường Hồng Công trượt mạnh tới 418,65 điểm, tương ứng 2,32%, đưa chỉ số Hang Seng xuống chốt ở mức 17.592,40 điểm. Cho dù không tính phiên 30-9, thì kể từ ngày 1-7 tới nay, chứng khoán Hồng Công đã giảm 4.387 điểm, tương ứng 19,59%. Sự sụt giảm này đã khiến thị trường này bốc hơi hơn 564 tỷ USD.