Giá dầu tăng gần 1% lên mức cao nhất trong 9 tháng, do giá dầu diesel kỳ hạn của Mỹ tăng và lo ngại về nguồn cung dầu khan hiếm sau khi Ả Rập Saudi và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung trong tuần này.
S&P 500 ghi nhận tuần giảm đầu tiên sau 3 tuần
Khép phiên, chỉ số S&P 500 tiến 0,14%, chấm dứt chuỗi 3 ngày giảm điểm và kết phiên ở mức 4.457,49. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng thêm 75,86 điểm, tương đương 0,22%, đóng cửa ở mức 34.576,59, trong khi Nasdaq Composite cộng 0,09% để đạt mức 13.761,53.
Các chỉ số chính cũng kết thúc một tuần với sắc đỏ. S&P và Nasdaq lần lượt giảm 1,3% và 1,9% trong tuần sụt giảm đầu tiên sau 3 tuần. Chỉ số Dow mất khoảng 0,8%.
Nhóm cổ phiếu năng lượng tăng vọt hôm thứ Sáu khi giá dầu tiếp tục đà tăng gần đây. Lĩnh vực S&P thêm 1% và đạt mức tăng 1,4% trong tuần. Các cổ phiếu chính bao gồm Marathon Petroleum và Phillips 66, đều bật lên khoảng 3%. Cổ phiếu Valero Energy tăng 4%.
Một số cổ phiếu công nghệ gặp khó khăn trong những phiên gần đây đã tìm lại được vị thế vững chắc.
Sau 2 ngày ảm đạm liên tiếp, Apple nhích lên 0,4%. Cổ phiếu Microsoft và Salesforce tăng khoảng 1%. Những cái tên khác gồm Nvidia và Tesla đều sụt hơn 1%. Block hạ 5,3% khi công ty thanh toán phải vật lộn với sự cố hệ thống ngừng hoạt động.
Bryce Doty, Phó Chủ tịch cấp cao và quản lý danh mục đầu tư tại Sit Investment Associates, cho biết các nhà đầu tư có thể cảm thấy thoải mái hơn khi không có tin xấu trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu sau một loạt các dữ liệu kinh tế mạnh mẽ hơn dự kiến vào đầu tuần.
Dữ liệu kinh tế gần đây, bao gồm cả số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu thấp hơn dự kiến, đã làm dấy lên lo ngại về việc tăng lãi suất và lo lắng Fed có thể còn nhiều việc phải làm trong tương lai. Tính đến thứ Sáu, các nhà đầu tư đang dự đoán hơn 40% khả năng lãi suất sẽ tăng trong tháng 11 sau khi dự kiến tạm dừng vào tháng 9, theo công cụ Fed Watch của CME Group.
Yung-Yu Ma, chiến lược gia đầu tư chính tại BMO Wealth Management, cho biết những yếu tố này, cùng với những dấu hiệu cho thấy các công ty đang hoạt động tốt bất chấp lãi suất tăng, đang góp phần tạo ra tình trạng giằng co trên thị trường hiện nay.
Mặt khác, các nhà đầu tư đang xem xét loạt báo cáo doanh thu doanh nghiệp mới nhất. Cổ phiếu công ty chữ ký điện tử DocuSign mất 3,7% ngay cả sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh quý 2 vượt kỳ vọng và đưa ra triển vọng quý 3 lạc quan. Cổ phiếu RH giảm 15,6% do triển vọng quý 3 ảm đạm.
Dầu tăng do lo ngại nguồn cung thắt chặt
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent tăng 73 cent, tương đương 0,8%, đạt 90,65 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ cộng 64 cent, tương đương 0,7%, đạt 87,51 USD.
Cả 2 loại dầu thô chuẩn vẫn nằm trong vùng quá mua (overbought) về mặt kỹ thuật trong ngày thứ 6 liên tiếp, trong đó dầu Brent đang hướng tới mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 16/11. Giá dầu WTI khép phiên tại mức cao nhất kể từ ngày 6/9, khi nó đạt mức đỉnh kể từ tháng 11.
Trong tuần, cả 2 loại dầu đều tăng khoảng 2%, sau mức tăng tuần trước là khoảng 5% đối với dầu Brent và khoảng 7% đối với dầu WTI.
“Giá dầu thô tiếp tục giao dịch dựa trên động lực từ phía nguồn cung. Không ai nghi ngờ rằng OPEC+ sẽ giữ thị trường thắt chặt trong mùa đông”, Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty phân tích và dữ liệu OANDA cho biết.
Tuần này, thành viên OPEC là Ả Rập Saudi và Nga đã gia hạn việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm.
Các nhà phân tích của Commerzbank cho biết trong một lưu ý rằng Ả Rập Saudi có thể sẽ khó kết thúc việc cắt giảm vào cuối năm nay mà không gây ra sự giảm giá nào.
Tại Mỹ, các công ty năng lượng trong tuần này đã bổ sung thêm một giàn khoan dầu, ghi nhận mức tăng hàng tuần đầu tiên kể từ tháng 6, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Giá dầu diesel tăng ở Mỹ cũng hỗ trợ giá dầu thô với giá dầu tương lai tăng khoảng 3%.
Các nhà đầu tư năng lượng lưu ý việc bảo trì theo mùa tại nhà máy lọc dầu ở Nga trong tháng 9 có thể sẽ làm giảm xuất khẩu dầu diesel nhưng có thể vẫn dẫn đến tăng xuất khẩu dầu.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đến Trung Quốc vào thứ Sáu trong chuyến thăm đầu tiên sau 5 năm. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và Venezuela, một thành viên của OPEC, có trữ lượng dầu thô được chứng minh là nhiều nhất thế giới.
Thị trường dầu mỏ vẫn lo ngại về triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc, quốc gia có tốc độ phục hồi chậm chạp sau đại dịch và các cam kết kích thích không được như mong đợi.
Dữ liệu hôm thứ Năm cho thấy tổng xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong tháng 8, do nhu cầu ở nước ngoài giảm và chi tiêu tiêu dùng yếu đã gây áp lực lên các doanh nghiệp.
Ngoài ra, tại Đức, Hạ viện đã thông qua dự luật có thể giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trong tương lai bằng cách loại bỏ dần các hệ thống sưởi ấm bằng dầu và khí đốt tự nhiên.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi xem liệu các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu có tiếp tục chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất hay không. Tăng lãi suất có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu mỏ.