CPI liệu có đạt kỳ vọng?
Khép phiên, chỉ số Dow Jones tiến 221,16 điểm, tương đương 0,52%, lên 4.518,28 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích 0,11% lên 5.842,91 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,23% còn 19.044,39 điểm.
Các cổ phiếu công nghệ lớn tiếp tục giảm điểm vào thứ Ba, gây áp lực lên S&P 500 và Nasdaq Composite. Cổ phiếu Nvidia bốc hơi 1,1%, và cổ phiếu Meta Platforms giảm 2,3%. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại đổ xô vào các cổ phiếu lĩnh vực tiện ích, tài chính và nguyên vật liệu, với mỗi lĩnh vực tăng hơn 1%.
Báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI), thước đo lạm phát bán buôn, chỉ tăng 0,2% trong tháng 12/2024, thấp hơn so với dự báo tăng 0,4% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. PPI cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, không thay đổi.
Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày 15/1 để đánh giá liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thành công trong việc đưa lạm phát về gần mục tiêu 2% hay không, điều này sẽ cho phép ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách lãi suất. Theo Dow Jones, các chuyên gia kinh tế dự báo CPI danh nghĩa tăng 0,3% trong tháng 12/2024.
Nếu CPI tăng cao hơn dự báo, chắc chắn đó sẽ là tin xấu đối với thị trường chứng khoán vì ngụ ý rằng Fed thực sự sẽ chậm lại trong việc hạ lãi suất.
Thị trường gần như chắc chắn rằng Fed sẽ giữ lãi suất không đổi khi kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày vào cuối tháng này. Theo công cụ CME FedWatch, thị trường dự báo xác suất 77,9% lãi suất sẽ duy trì ở phạm vi mục tiêu hiện tại là 4,25% - 4,5% trong tháng 3/2025.
Dầu WTI giảm gần 2% sau dự báo nhu cầu dầu của Mỹ
Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent sụt 1,09 USD, tương đương 1,35%, xuống 79,92 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI hạ 1,32 USD, tương đương 1,67%, còn 77,50 USD/thùng.
Giá dầu tăng 2% vào ngày 13/1 sau khi Bộ Tài chính Mỹ vào hôm 10/1 đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Gazprom Neft và Surgutneftegas cũng như 183 tàu vận chuyển dầu như một phần của đội tàu chở dầu ngầm của Nga.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào ngày thứ Ba cho biết nhu cầu dầu tại Mỹ sẽ vẫn ổn định ở mức 20,5 triệu thùng/ngày trong năm 2025 và năm 2026, tuy nhiên, sản lượng dầu của quốc gia này sẽ tăng lên 13,55 triệu thùng/ngày, tăng so với dự báo trước đó của cơ quan này là 13,52 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Trong khi các chuyên gia phân tích vẫn đang kỳ vọng tác động đáng kể đến giá dầu từ các lệnh trừng phạt mới đối với nguồn cung dầu của Nga, tác động của chúng đối với thị trường vật chất có thể không rõ rệt như những gì khối lượng có thể bị ảnh hưởng.
Chuyên gia phân tích của ING dự báo các lệnh trừng phạt mới có khả năng xoá bỏ toàn bộ tình trạng thặng dư 700.000 thùng/ngày mà họ đã dự báo trong năm nay, nhưng cho biết tác động thực sự có thể thấp hơn.
Sự không chắc chắn về nhu cầu từ quốc gia nhập khẩu lớn là Trung Quốc có thể làm giảm tác động thắt chặt nguồn cung. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm trong năm 2024, lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, sau khi cố gắng phục hồi sau đại dịch Covid-19.