Phố Wall lao dốc trước lo ngại khủng hoảng ngân hàng lan sang châu Âu; Dầu WTI trượt hơn 5%

(ĐTTCO) – Chứng khoán Mỹ đảo chiều hôm thứ Tư (15/3) do lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng lan sang châu Âu gây áp lực lên thị trường chung. Giá dầu giảm mạnh, do các nhà đầu tư lo ngại một cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Phố Wall lao dốc trước lo ngại khủng hoảng ngân hàng lan sang châu Âu; Dầu WTI trượt hơn 5%

Dow đóng cửa thấp hơn hơn 250 điểm

Chỉ số Dow kết phiên trượt 280,83 điểm, tương đương 0,9%, ở mức 31.874,57. S&P 500 mất 0,7% xuống còn 3.891,93. Nasdaq Composite tăng nhẹ 0,05% lên 11.434,05. Các chỉ số chính đã khép phiên rút khỏi mức đáy trong phiên. Dow Jones có thời điểm lao dốc 725 điểm và S&P 500 đã nhanh chóng xóa sạch tất cả mức tăng trong năm 2023.

Các chỉ số đã phục hồi phần nào trong phiên giao dịch buổi chiều sau thông báo từ cơ quan quản lý Thụy Sĩ rằng ngân hàng trung ương của nước này sẽ cung cấp thanh khoản cho Credit Suisse nếu cần thiết. Các nhà đầu tư lo ngại sau khi Ngân hàng Quốc gia Saudi, nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse, cho biết họ không thể cung cấp thêm bất kỳ khoản tài trợ nào.

Thông tin được đưa ra sau khi ngân hàng Thụy Sĩ cho biết vào đầu tuần này rằng họ đã phát hiện ra “một số điểm yếu quan trọng nhất định trong kiểm soát nội bộ đối với báo cáo tài chính” trong các năm 2021 và 2022. Cổ phiếu của Credit Suisse niêm yết tại Hoa Kỳ cuối phiên tụt gần 14%.

Trong những ngày gần đây, một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính tập trung vào các ngân hàng khu vực, khi Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ. Cả hai đều là nạn nhân của sự quản lý yếu kém khi đối mặt với 8 lần tăng lãi suất của Fed trong 12 tháng qua. Sự chú ý chuyển sang các ngân hàng lớn vào thứ Tư.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Oanda đánh giá: “Chúng tôi đang chứng kiến sự hỗn loạn của ngân hàng bắt đầu từ Silicon Valley Bank, nó thực sự lan rộng ra toàn cầu. Các thị trường đang nhận ra rằng bạn đang thấy các ngân hàng gặp khó khăn vì rất nhiều mô hình sinh lời của họ phần lớn dựa trên lãi suất bằng 0.”

Nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn của Hoa Kỳ giảm điểm đồng loạt với Credit Suisse và lĩnh vực Ngân hàng Châu Âu. Citigroup trượt 5,4%, trong khi Wells Fargo và Goldman Sachs mỗi công ty mất hơn 3%. Chứng chỉ quỹ Financial Select Sector SPDR “bốc hơi” 2,7%.

Cổ phiếu ngân hàng khu vực, vốn đã hồi phục hôm 14/3 để nâng cao tâm lý cho thị trường chung, lại giảm vào thứ Tư. Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF mất 1,6%, chịu áp lực bởi đà lao dốc lần lượt hơn 21% và 12% từ First Republic Bank và PacWest Bancorp.

Dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021

Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng tương lai WTI lùi hơn 5% xuống mức 67,61 USD/thùng, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Dầu thô Brent, chuẩn quốc tế, giảm 4% xuống 74,36 USD/thùng.

Ông Moya nhận định “Thị trường dầu mỏ sẽ rơi vào tình trạng thặng dư trong hầu hết nửa đầu năm nay, nhưng điều đó sẽ thay đổi miễn là chúng ta không thấy một sai lầm chính sách lớn nào của Fed gây ra suy thoái nghiêm trọng. Bây giờ giá dầu WTI dao động gần mức giữa 60 đô la, sự sụt giảm của dầu thô WTI phụ thuộc vào bức tranh vĩ mô trở nên tồi tệ đến mức nào.”

Việc kiểm tra lại mức thấp nhất của tháng 10/2022 có thể làm gia tăng áp lực giảm giá đối với dầu thô WTI, đồng thời cho biết thêm rằng các kho dự trữ năng lượng có thể gặp khó khăn do triển vọng nhu cầu suy yếu và tình trạng dư cung có khả năng tồn tại trong ngắn hạn.

Đà sụt giảm xảy ra khi các thị trường rủi ro toàn cầu bị bán tháo sau thông tin rằng nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse, Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út, sẽ không cung cấp thêm hỗ trợ cho ngân hàng đang gặp khó khăn. Tin tức này khiến cổ phiếu niêm yết tại Hoa Kỳ của ngân hàng này giảm hơn 20%. Nó cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng hệ thống ngân hàng toàn cầu chưa đầy một tuần sau khi hai ngân hàng khu vực của Hoa Kỳ phá sản.

Căng thẳng tại các ngân hàng nhỏ hơn đã khiến Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết: “Các ngân hàng vừa và nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Các ngân hàng có tài sản dưới 250 tỷ đô la chiếm khoảng 50% cho vay thương mại và công nghiệp Hoa Kỳ, 60% cho vay bất động sản nhà ở, 80% cho vay bất động sản thương mại và 45% cho vay tiêu dùng.”

“Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đã thực hiện từng bước quyết liệt để củng cố hệ thống tài chính, nhưng những lo ngại về tình trạng căng thẳng tại một số ngân hàng vẫn tồn tại. Áp lực diễn ra liên tục có thể khiến các ngân hàng nhỏ trở nên thận trọng hơn trong việc cho vay để duy trì tính thanh khoản trong trường hợp họ cần đáp ứng việc rút tiền của người gửi tiền và việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay có thể ảnh hưởng đến tổng cầu.”

Các tin khác