![Phố Wall nhích nhẹ; Dầu nối dài đà tăng](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/dufkxmeyxq/2025_02_12/anh-1-8454-6872.jpg.webp)
Thị trường thận trọng sau phát biểu của Chủ tịch Fed
Khép phiên, chỉ số S&P 500 nhích 0,03% lên 6.068,50 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,36% còn 19.643,86 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 123,24 điểm, tương đương 0,28%, xuống 44.593,65 điểm.
Cổ phiếu Apple tiến 2,2% sau khi The Information báo cáo rằng công ty đang hợp tác với Alibaba để phát triển các tính tăng trí tuệ nhân tạo AI cho người dùng iPhone tại Trung Quốc, qua đó giúp hạn chế đà suy giảm của thị trường.
Trước đó, ông Powell đã phát biểu trước Uỷ ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ và ra hiệu rằng Fed không cần phải hành động nhanh chóng để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ông Powell cho biết: “Với lập trường chính sách của chúng tôi hiện đã bớt hạn chế hơn đáng kể so với trước đây và nền kinh tế vẫn mạnh mẽ, chúng tôi không cần phải vội vàng điều chỉnh lập trường chính sách của mình.” Lãnh đạo ngân hàng trung ương gọi nền kinh tế là “nhìn chung mạnh mẽ” với thị trường lao động “vững chắc” và cho biết lạm phát đang giảm nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed.
Phiên điều trần tiếp theo của ông Powell sẽ là trước Uỷ ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào ngày 12/2 – diễn ra vào thời điểm bất ổn ở Washington khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ áp thuế quan đối với các đối tác thương mại của Mỹ và với những thông điệp trái chiều từ Chính quyền về cách tiếp cận của họ đối với Fed.
Ông Trump vào hôm 10/2 đã áp mức thuế mới đối với tất cả mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) đã phản ứng bằng cách tuyên bố sẽ trả đũa bằng các khoản thuế của riêng mình nếu Mỹ áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm từ khối này.
Nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát mới dưới dạng báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI công bố vào ngày 11/2, trong khi báo cáo chỉ số giá sản xuất PPI sẽ công bố vào ngày 12/2.
Dầu do lo ngại về nguồn cung
Kết phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent cộng 1,11 USD, tương đương 1,46%, lên 76,98 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI thêm 99 xu, tương đương 1,37%, lên 73,31 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng dầu đều tăng gần 2% trong phiên trước đó, sau khi giảm 3 tuần liên tiếp.
Việc vận chuyển dầu của Nga đến Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã bị gián đoạn đáng kể do các lệnh trừng phạt của Mỹ vào tháng trước nhằm vào các tàu chở dầu, nhà sản xuất và công ty bảo hiểm.
Góp phần làm tăng lo ngại về nguồn cung là các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các mạng lưới vận chuyển dầu của Iran đến Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục “áp lực tối đa” đối với xuất khẩu dầu của Iran vào tuần trước.
Tuy nhiên, kìm hãm đà tăng giá dầu là loạt thuế quan mới nhất của ông Trump có thể làm giảm tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu năng lượng.
Hôm 10/2, ông Trump đã áp thuế quan tăng đáng kể đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ lên đến 25% “mà không có ngoại lệ hoặc miễn trừ” để hỗ trợ các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn, điều này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại trên nhiều mặt trận.
Mức thuế này sẽ đánh vào hàng triệu tấn thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và các quốc gia khác.
Tổng thống Mỹ Trump vào tuần trước đã áp thuế bổ sung 10% đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đã trả đũa bằng các khoản thuế của riêng mình đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, bao gồm áp thuế 10% đối với dầu thô.
Cũng gây áp lực lên nhu cầu dầu thô, Fed sẽ đợi đến quý tiếp theo trước khi hạ lãi suất một lần nữa, theo các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters, trước đó họ dự báo Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 3/2025.
Fed phải đối mặt với mối đe doạ gia tăng lạm phát theo các chính sách của ông Trump. Việc giữ lãi suất ở mức cao hơn có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng nhu cầu dầu.