
Dow Jones cộng hơn 250 điểm
Kết phiên, chỉ số S&P 500 nhích 0,41% lên 5.916,93 điểm, còn chỉ số Dow Jones bật tăng 271,69 điểm (tương đương 0,65% lên 42.322,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,18% xuống 19.112,32 điểm.
Niềm tin vào triển vọng trước mắt của cổ phiếu đã tăng lên sau các cuộc đàm phán Mỹ - Trung, có vẻ đã ngăn được sự suy giảm ngắn hạn trong hoạt động kinh tế và lạm phát tăng cao.
Các gã khổng lồ ngành công nghệ đang có một tuần hoạt động mạnh mẽ. Cổ phiếu Nvidia và Tesla đều leo dốc khoảng 15%, còn cổ phiếu Meta Platforms tăng vọt gần 9% từ đầu tuần đến nay. Cổ phiếu Amazon và Alphabet lần lượt tăng hơn 6% và 7%. Nasdaq Composite thêm 6,6% trong tuần này, theo sau là S&P 500 tăng 4,5% và Dow Jones tiến 2,6%.
Joe Cusick, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm chuyên gia danh mục đầu tư tại Calamos Investments, nhận định: “Đây là một thị trường đã chuyển sang tâm lý lạc quan thận trọng, tức là tâm lý thị trường đã chuyển sang lạc quan có chừng mực, khi nỗi lo suy thoái bắt đầu lắng xuống và thị trường chứng khoán thể hiện sức mạnh tiềm ẩn. Tuy nhiên, một số rủi ro vĩ mô và vi mô tiếp tục hình thành nền ‘bức tường lo ngại’ mà nhà đầu tư phải vượt qua.”
Cổ phiếu Foot Locker bứt phá gần 86% sau khi Dick’s Sporting Goods cho biết họ có kế hoạch mua lại nhà bán lẻ này với trị giá 2,4 tỷ USD. Cổ phiếu UnitedHealth lao dốc gần 11% sau khi Wall Street Journal đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra công ty bảo hiểm này.
Nhà đầu tư cũng đánh giá tình hình kinh tế trong ngày thứ Năm, với dữ liệu giá bán buôn bất ngờ giảm trong tháng trước. Cụ thể, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất PPI tháng 4 giảm 0,5% so với tháng trước, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 0,3% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.
Doanh số bán lẻ nhích 0,1% trong tháng 4, phù hợp với dự báo, trong khi số liệu sản xuất công nghiệp trong tháng 4 giảm mạnh hơn một chút so với dự báo.
Lợi suất trái phiếu giảm sau khi công bố báo cáo lạm phát yếu. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm hơn 8 điểm cơ bản xuống còn 4,44%, còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm mất 9 điểm cơ bản còn 3,96%.
Kỳ vọng về thoả thuận hạt nhân Mỹ - Iran
Khép phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent sụt 2,36% xuống 64,53 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI hạ 2,42% còn 61,62 USD/thùng.
Phát biểu tại Doha, Qatar trong chuyến công du Trung Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ đang tiến gần đến việc đảm bảo một thoả thuận hạt nhân với Iran.
“Chúng tôi đang đàm phán rất nghiêm túc với Iran về hoà bình lâu dài,” ông Trump cho biết.
Những bình luận của ông Trump được đưa ra ngay sau khi một cố vấn hàng đầu của nhà lãnh đạo tối cao Iran nói với NBC News rằng nhà sản xuất OPEC này đã sẵn sàng ký một thoả thuận hạt nhân với một số điều kiện nhất định để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Triển vọng về một thoả thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran dự kiến sẽ có tác động sâu sắc đến thị trường dầu. Nếu đạt được thoả thuận, thì xuất khẩu dầu của Iran có thể tăng tới 1 triệu thùng/ngày.
OPEC và các đối tác không thuộc OPEC, một liên minh năng lượng có ảnh hưởng được gọi là OPEC+, đã khiến thị trường bất ngờ khi tăng nguồn cung trong những tháng gần đây.
Dẫn đầu là Ả-rập Xê-út, nhóm này đã nhất trí vào đầu tháng 5 sẽ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 6. Động thái này diễn ra một tháng sau khi OPEC+ đồng ý tăng sản lượng vào tháng 5 với cùng mức.
Nền kinh tế Iran đã suy thoái nghiêm trọng trong những năm kể từ khi ông Trump rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, có tên chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung. Thoả thuận này được làm trung gian vào năm 2015 cùng với Nga, Trung Quốc, EU và Anh dưới thời chính quyền Obama để hạn chế và giám sát chặt chẽ hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt.