Phố Wall rực đỏ khi Moody’s hạ bậc tín nhiệm ngành ngân hàng; Dầu tăng nhờ triển vọng kinh tế Mỹ

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ trượt giá hôm thứ Ba (08/8) khi đợt bán tháo trong tháng 8 được khơi lại bởi việc cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s hạ bậc xếp hạng ngành ngân hàng. 
Phố Wall rực đỏ khi Moody’s hạ bậc tín nhiệm ngành ngân hàng; Dầu tăng nhờ triển vọng kinh tế Mỹ

Dow giảm hơn 150 điểm

Khép phiên, chỉ số Dow Jones giảm 158,64 điểm, tương đương 0,45%, đóng cửa ở mức 35.314,49. Ở mức thấp nhất trong phiên, chỉ số này rơi về khoảng 465 điểm.

S&P 500 hạ 0,42%, kết thúc ở mức 4.499,38, qua đó nâng tổng mức giảm từ đầu tháng đến nay lên gần 2%. Nasdaq Composite lùi 0,79% xuống 13.884,32, ghi nhận tổng mức giảm trong tháng 8 là 3,2%.

Thứ Ba là phiên giảm điểm thứ 5 trong số 6 phiên đối với cả S&P 500 và Nasdaq. Ở mức đáy trong phiên, cả 2 chỉ số này đều giảm hơn 1%.

Các cổ phiếu ngân hàng đã giảm trên diện rộng sau khi Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm đối với một số ngân hàng trong khu vực, bao gồm M&T Bank và Pinnacle Financial, với lý do rủi ro tiền gửi, suy thoái kinh tế tiềm ẩn và danh mục đầu tư bất động sản thương mại đang gặp khó khăn. Cơ quan tín dụng cũng đưa Bank of N.Y. Mellon và State Street vào diện xem xét hạ cấp.

Cổ phiếu Goldman Sachs và JPMorgan Chase lần lượt trượt khoảng 2,1% và 0,6%, trong khi chứng chỉ quỹ SPDR S&P Bank ETF rớt 1,3%.

Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF cũng mất 1,3%. Chứng chỉ quỹ ETF ngân hàng khu vực đã lao dốc 28% hồi tháng 3 trong bối cảnh Silicon Valley Bank phá sản. Trong khi đó, cổ phiếu M&T Bank giảm gần 1,5%.

Jay Hatfield, Giám đốc điều hành của Infrastructure Capital Advisors, cho hay “Bất kỳ hình thức giảm niềm tin nào vào hệ thống ngân hàng khu vực đều thực sự tồi tệ đối với tâm lý thị trường.”

Các nhà đầu tư cũng phân tích thông qua loạt báo cáo doanh thu mới nhất của doanh nghiệp. Cổ phiếu UPS giảm 0,9% sau khi gã khổng lồ ngành giao hàng báo cáo doanh thu quý 2 yếu hơn dự kiến. Công ty cũng hạ triển vọng doanh thu cả năm.

Mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp cho đến nay đã tốt hơn dự đoán. Với 89% cổ phiếu S&P 500 đã báo cáo kết quả hàng quý, khoảng 4/5 trong số đó đã vượt qua kỳ vọng của Phố Wall, theo Fact set. Nhưng có vẻ như rất nhiều trong số những kết quả đó đã được định giá trên thị trường, do đợt giảm giá gần đây.

Xuất - Nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm nặng nề

Kết phiên, dầu thô Brent tăng 83 cent lên 86,17 USD/thùng. Dầu thô WTI của Hoa Kỳ cộng 98 cent lên 82,92 USD. Cả 2 hợp đồng dầu đều giảm 2 đô la vào đầu phiên.

Giá dầu đã đảo chiều vào thứ Ba sau khi một báo cáo định kỳ hàng tháng từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ tăng 1,9% vào năm 2023, tăng từ mức 1,5% trong dự báo trước đó.

EIA cũng dự đoán giá dầu thô Brent sẽ đạt mức trung bình 86 USD trong nửa cuối năm 2023, tăng khoảng 7 USD so với dự báo trước đó.

Báo cáo cũng cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng 850.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 12,76 triệu thùng/ngày vào năm 2023, vượt qua mức đỉnh gần nhất là 12,3 triệu thùng/ngày vào năm 2019.

EIA cho biết giá dầu thô đã leo dốc kể từ tháng 6, chủ yếu là do Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm sản lượng cũng như nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng.

Tuy nhiên, ảnh hưởng đến giá dầu vào thứ Ba, kim ngạch nhập khẩu dầu tháng 7 của Trung Quốc đã sụt 18,8% so với tháng trước xuống mức thấp nhất hàng ngày kể từ tháng 1, nhưng vẫn tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 12,4% trong tháng 7, cao hơn nhiều so với mức giảm dự kiến 5%. Xuất khẩu cũng bốc hơi 14,5%, so với mức giảm 12,5% mà các nhà kinh tế dự đoán.

Bất chấp dữ liệu ảm đạm, một số nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc từ tháng 8 đến đầu tháng 10.

Nhà phân tích Leon Li của CMC Markets cho biết, mùa cao điểm của hoạt động xây dựng và sản xuất bắt đầu vào tháng 9 và tiêu thụ xăng sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu đi lại trong mùa hè. Tuy nhiên, ông cho biết thêm, nhu cầu dự kiến sẽ giảm dần sau tháng 10.

Các tin khác