Dow Jones có tuần tăng tốt nhất kể từ tháng 12/2024
Khép phiên, chỉ số Dow Jones tăng vọt 334,70 điểm, tương đương 0,78%, lên 43.487,83 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1% lên 5.996,66 điểm và chỉ số Nasdaq Composite nhích 1,51% lên 19.630,20 điểm.
Các cổ phiếu công nghệ lớn tăng trong phiên, với cổ phiếu Tesla tiến 3%. Cổ phiếu Nvidia bật 3,1%, còn cổ phiếu Alphabet tăng hơn 1%.
Trong tuần này, Dow Jones và S&P 500 lần lượt thêm 3,7% và 2,9%. Cả 2 chỉ số đều ghi nhận mức tăng hằng tuần lớn nhất kể từ tuần diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024. Nasdaq Composite cộng 2,5% từ đầu tuần đến nay, ghi nhận tuần tăng tốt nhất kể từ đầu tháng 12/2024.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau khi nhà đầu tư nhận được các báo cáo liên tiếp cho thấy áp lực lạm phát đang giảm bớt phần nào. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi tăng thấp hơn dự báo so với năm trước, và chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng thấp hơn dự báo trong tháng 12/2024. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm mạnh khi hy vọng về nhiều đợt hạ lãi suất trong năm nay tăng lên.
Kết quả lợi nhuận mạnh mẽ từ các ngân hàng lớn cũng thúc đẩy cổ phiếu trong tuần này, khi thị trường cố gắng thoát khỏi tình trạng ảm đạm của tháng 12/2024 kéo dài sang đầu năm 2025. Cổ phiếu Goldman Sachs và Citigroup đều leo dốc 12% trong tuần này, còn cổ phiếu JPMorgan Chase nhảy vọt 8% trong giai đoạn này.
Nhà đầu tư cũng đang hướng đến tuần tới, khi ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức Tổng thống lần thứ 2. Chứng khoán Mỹ tăng vọt ngay sau chiến thắng bầu cử của ông vào tháng 11/2024, khi nhà đầu tư kỳ vọng về đề xuất nới lỏng quy định và giảm thuế của ông Trump.
Dầu tăng 4 tuần liền
Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 50 xu xuống 80,79 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 80 xu còn 77,88 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu đều tăng hơn 1% trong tuần này.
Hồi ngày 10/1, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các lệnh trừng phạt rộng hơn nhắm vào các công ty sản xuất và tàu chở dầu của Nga.
Toshitaka Tazawa, Chuyên gia phân tích tại Fujitomi Securities, cho rằng: “Những lo ngại về nguồn cung từ những lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các nhà sản xuất và tàu chở dầu của Nga, kết hợp với kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu do khả năng hạ lãi suất của Mỹ, đang thúc đẩy thị trường dầu thô.”
Nhà đầu tư cũng đang đánh giá những khả năng tác động của việc ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1. Người được ông Trump lựa chọn làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết ông đã sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với dầu mỏ của Nga.
Kỳ vọng nhu cầu tốt hơn đã hỗ trợ một phần cho thị trường dầu. Dữ liệu cho thấy lạm phát đang giảm ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, củng cố hy vọng về việc hạ lãi suất.
Nhà đầu tư cũng đang đánh giá dữ liệu mới từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới. Nền kinh tế của nước này đã hoàn thành tham vọng tăng trưởng 5% của chính phủ vào năm ngoái.
Giá dầu cũng chịu áp lực từ kỳ vọng dừng các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen vào các tàu biển ở Biển Đỏ sau thoả thuận ngừng bắn ở Gaza.
Các cuộc tấn công của Houthi đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu, buộc các tàu phải thực hiện hành trình dài hơn và tốn kém hơn quanh miền Nam châu Phi trong hơn 1 năm qua.