Phố Wall rực trong sắc xanh; Dầu giảm trước lo ngại về lạm phát

(ĐTTCO) – Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào thứ Năm (11/04), khi các cổ phiếu công nghệ phục hồi từ đợt sụt giảm trước đó do lo ngại lạm phát kéo dài. Trong khi các hợp đồng dầu thô tương lai suy giảm, khi những lo ngại về lạm phát đã làm lu mờ lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel ở thời điểm này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Phố Wall rực trong sắc xanh; Dầu giảm trước lo ngại về lạm phát

S&P 500 khởi sắc và Nasdaq khép phiên ở mức cao kỷ lục

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0.74% lên 5,199.06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.68% lên 16,442.20 điểm, mức cao kỷ lục. Trong khi, chỉ số Dow Jones sụt 2.43 điểm, tương đương 0.01%, xuống 38,459.08 điểm.

Các cổ phiếu công nghệ đã thúc đẩy S&P 500 và Nasdaq Composite đảo chiều tăng điểm vào giữa phiên thứ Năm, khi nhà đầu tư mua vào từ mức giảm đầu tuần.

Các cổ phiếu thành viên của “Magnificent Seven” đồng loạt tăng mạnh. Cổ phiếu Nvidia nhảy vọt 4.1%. Cổ phiếu Amazon nhích 1.7% và đạt mức cao kỷ lục trong phiên, cổ phiếu Alphabet tăng hơn 2%. Cổ phiếu Apple thêm 4.3% sau khi Bloomberg News đưa tin công ty này sẽ chuyển dòng sản phẩm Mac sang con chip tập trung vào trí tuệ nhân tạo. Nhà sản xuất iPhone đã ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2023.

Dow Jones giảm 1.1% từ đầu tuần đến nay. Trong khi đó, S&P 500 đã xoá bớt đà giảm trước đó sau báo cáo CPI nóng, và chỉ còn mất 0.1% từ đầu tuần đến nay. Nasdaq Composite thêm 1.2% trong tuần này.

Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 3 thấp hơn dự báo, giúp xoa dịu phần nào sau đợt bán tháo vào ngày 10/04 do báo cáo CPI nóng.

Chủ tịch Fed khu vực New York, John Williams, cho biết trong một sự kiện vào thứ Năm rằng không cần phải thay đổi chính sách trong ngắn hạn.

Điều này xuất phát từ kết quả chỉ số giá tiêu dùng CPI nóng hơn dự báo trong tháng 3 công bố vào hôm 10/04, gây ra làn sóng bán tháo trên thị trường. Biên bản cuộc họp tháng trước của Fed cũng cho thấy một số quan chức vẫn lo ngại về lộ trình lạm phát hướng về mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.

Giai đoạn đầu của mùa báo cáo lợi nhuận tiếp tục diễn ra vào thứ Năm, với cổ phiếu CarMax bốc hơi hơn 9% sau khi gây thất vọng cả về doanh thu và lợi nhuận. Các ngân hàng lớn JPMorgan, Wells Fargo và Citigroup dự kiến công bố báo cáo lợi nhuận vào ngày 12/04.

Dầu WTI giảm hơn 1%

Kết phiên, hợp đồng dầu WTI sụt 1.19 USD, tương đương 1.38%, còn 85.02 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent hạ 74 xu, tương đương 0.82%, xuống 89.74 USD/thùng.

Giá dầu đã tăng hơn 1% vào hôm 10/04, sau khi Bloomberg News đưa tin Mỹ và các đồng minh cho rằng một cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel sắp xảy ra. Tehran đã đe doạ trả đũa Israel về việc tấn công lãnh sự quán nước này ở Damascus, Syria.

Tuy nhiên, rủi ro địa chính trị vốn đã thúc đẩy giá dầu trong phiên trước đó đã giảm bớt vào thứ Năm khi cuộc tấn công vẫn chưa thành hiện thực, theo Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group.

Dầu WTI và dầu Brent lần lượt giảm 1.8% và 1.4% trong tuần này, khi đà leo dốc gần đây do căng thẳng địa chính trị đã hạ nhiệt đôi chút.

Các hợp đồng dầu thô tương lai suy giảm vào thứ Năm khi những lo ngại về lạm phát cũng ám ảnh thị trường sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI nóng hơn dự báo trong tháng 3. Thước đo giá bán buôn tháng 3, công bố vào ngày 11/04, thấp hơn dự báo, nhưng so với cùng kỳ năm trước, thước đo giá sản xuất PPI tăng 2.1%, đây là mức tăng mạnh nhất được ghi nhận kể từ tháng 4/2023.

“Động thái của giá dầu ngày hôm nay chủ yếu là do rủi ro lạm phát, có nguy cơ làm giảm nhu cầu”, ông Raj nói.

Theo công cụ CME FedWatch, Fed hiện được kỳ vọng sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9, muộn hơn nhiều so với dự báo ban dầu, với chỉ 2 đợt hạ lãi suất được thực hiện trong năm nay.

Lãi suất thấp hơn thường kích thích tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy nhu cầu dầu thô. Lạm phát kéo dài cũng dẫn đến nghi ngờ về việc liệu nền kinh tế Mỹ có hạ cánh nhẹ nhàng trong năm nay hay không.

Các tin khác