Phố Wall rực xanh sau biên bản của Fed; Dầu giảm hơn 1 USD

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 tăng điểm vào thứ Tư (21/08), sau khi biên bản cuộc họp chính sách của Fed vào tháng trước đã củng cố hy vọng hạ lãi suất trong tương lai gần. Ngược lại, giá dầu giảm sau khi Chính phủ Mỹ điều chỉnh giảm đáng kể số lượng việc làm tính đến tháng 3/2024, gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
Phố Wall rực xanh sau biên bản của Fed; Dầu giảm hơn 1 USD

Nhà đầu tư kỳ vọng hạ lãi suất

Kết thúc phiên giao dịch chỉ số S&P 500 tiến 0.42% lên 5,620.85 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 9 trong 10 phiên vừa qua. Mức tăng điểm trong ngày thứ Tư đã đưa chỉ số này chỉ còn thấp hơn 1% so với mức đóng cửa cao mọi thời đại của nó. 4/11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đã ghi nhận mức đỉnh 52 tuần trong phiên này.

Chỉ số Nasdaq Composite nhích 0.57% lên 17,918.99 điểm, cũng là phiên tăng thứ 9 trong 10 phiên qua. Còn chỉ số Dow Jones cộng 55.52 điểm, tương đương 0.14%, lên 40,890.4 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 6 trong 7 phiên vừa qua.

Chỉ số vốn hoá nhỏ Russell 2000 có kết quả vượt trội hơn, tăng hơn 1%.

Phố Wall khởi sắc khi các quan chức Fed cho biết việc giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 9 ngày càng có khả năng xảy ra, theo biên bản cuộc họp tháng 7 được công bố vào chiều thứ Tư. Hầu hết những người tham gia cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ phù hợp nếu dữ liệu kinh tế tiếp tục diễn ra như mong đợi.

Thông tin này củng cố kỳ vọng của những người tham gia thị trường. Theo công cụ CME FedWatch, thị trường hiện dự báo xác suất 100% Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng tới.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào thứ Tư, một ngày sau khi S&P 500 và Nasdaq Composite kết thúc chuỗi leo dốc dài nhất kể từ cuối năm 2023. Và đó chỉ là động thái mới nhất trong một tháng đầy biến động đối với thị trường chứng khoán.

Báo cáo việc làm yếu kém của Mỹ và việc nâng lãi suất từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã gây ra đợt bán tháo trên toàn cầu hồi hôm 05/08. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán kể từ đó đã phục hồi sau khi doanh số bán lẻ tăng mạnh và báo cáo lạm phát yếu hơn dự kiến đã giúp xoa dịu nỗi lo về suy thoái kinh tế vào tuần trước. Hiện tại, cả 3 chỉ số đều tăng so với thời điểm đầu tháng 8/2024.

Phố Wall hiện đang hồi hộp chờ đợi bài phát biểu từ lãnh đạo ngân hàng trung ương Jerome Powell. Chủ tịch Fed dự kiến sẽ có bài phát biểu vào ngày 23/08 tại Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole, tại đó, ông Powell có thể cung cấp thêm gợi ý về quyết định lãi suất tiếp theo của Fed tại cuộc họp tháng 9 tới.

Tăng trưởng việc làm tại Mỹ bị điều chỉnh giảm

Khép phiên, hợp đồng dầu Brent sụt 1.15 USD, tương đương 1.49%, xuống 76.05 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI hạ 1.24 USD, tương đương 1.69%, còn 71.93 USD/thùng.

Bộ Lao động Mỹ vào thứ Tư cho biết các nhà tuyển dụng Mỹ đã tạo ra thêm ít việc làm hơn nhiều so với báo cáo ban đầu trong năm tính đến tháng 3.

Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tại Price Futures Group, cho rằng: “Thị trường hiện đang chuyển từ định giá trong một nền kinh tế mạnh mẽ hơn sang khả năng “hạ cánh” khó khăn, đó là lý do tại sao giá dầu thô khó tăng cao hơn.”

Bộ Lao động Mỹ ước tính tổng số việc làm được tạo ra trong giai đoạn từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024 đã giảm 818,000 việc làm.

Dữ liệu việc làm được điều chỉnh đã lấn át sự hỗ trợ từ việc dự trữ dầu tại Mỹ giảm.

Cụ thể, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô, xăng và các sản phẩm chưng cất tại Mỹ đã giảm trong tuần kết thúc ngày 16/08.

EIA cho biết dự trữ dầu thô đã sụt 4.6 triệu thùng xuống còn 426 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn rất nhiều so với dự báo giảm 2.7 triệu thùng từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.

Trong khi đó, lo ngại của nhà đầu tư vẫn tồn tại trước viễn cảnh kinh tế Trung Quốc suy yếu, gây áp lực lên nhu cầu dầu thô của nước này.

Những khó khăn của kinh tế Trung Quốc đã góp phần khiến biên lợi nhuận chế biến giảm và nhu cầu nhiên liệu thấp, qua đó khiến hoạt động tại các nhà máy lọc dầu tư nhân và nhà nước bị hạn chế.

Ngoài ra, phiến quân Houthi liên kết với Iran đã tiến hành một loạt cuộc tấn công vào hàng hải quốc tế gần Yemen kể từ tháng 11/2023 để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine trong cuộc chiến Israel – Hamas.

Biển Đỏ dẫn đến kênh đào Suez là tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng và các cuộc tấn công kéo dài gây ra mối đe doạ tiềm tàng đối với nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Các tin khác