Phố Wall thụt lùi sau 5 tuần khởi sắc; Dầu nối dài đà giảm

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ trượt dài vào thứ Hai (04/12) do nhà đầu tư hoài nghi liệu thị trường có quá phấn khích sau 5 tuần tăng điểm liên tiếp. Giá dầu kéo dài đà giảm, do bị áp lực bởi sự hoài nghi của nhà đầu tư đối với quyết định mới nhất của OPEC+ về việc cắt giảm nguồn cung.

Phố Wall thụt lùi sau 5 tuần khởi sắc; Dầu nối dài đà giảm

óng cửa thấp hơn

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones sụt 41.06 điểm, tương đương 0.11%, xuống 36,204.44 điểm. S&P 500 mất 0.54% còn 4,569.78 điểm. Trong khi, Nasdaq Composite giảm 0.84% và đóng cửa tại 14,185.49 điểm do nhà đầu tư bán ra các cổ phiếu công nghệ lớn từng dẫn dắt đà tăng của thị trường trong năm nay.

Trong khi thị trường chứng khoán trì trệ thì bitcoin và vàng lại tăng trong phiên khởi đầu tuần mới. Theo đó, Bitcoin vượt ngưỡng 41,000 USD và ghi nhận mức cao nhất trong 19 tháng, còn vàng đạt mức danh nghĩa trong ngày cao nhất từ trước đến nay.

Những diễn biến trong ngày thứ Hai đánh dấu sự rút lui của thị trường sau giai đoạn tăng mạnh. Nhóm cổ phiếu công nghệ khá giằng co trong phiên với cổ phiếu Nvidia rớt 2.7%, trong khi Microsoft và Meta đồng loạt mất hơn 1%.

Hôm thứ Sáu, S&P 500 ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 3/2022 và nâng tổng đà tăng từ đầu năm đến nay lên gần 20%. Dow Jones cũng cộng hơn 9% trong năm nay còn Nasdaq Composite tăng mạnh 35% trong năm 2023.

Cả ba chỉ số chính đều ghi nhận 5 tuần tăng điểm liên tiếp trong phiên thứ Sáu tuần trước. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2021, Dow Jones đạt được chuỗi tăng điểm như vậy.

Đà phục hồi của thị trường chứng khoán bắt đầu từ tháng 10 diễn ra khi nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm tới. Các nhà đầu tư vẫn duy trì niềm tin này trong tuần trước ngay cả khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cố gắng giảm bớt kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất khi cho rằng còn “quá sớm” để dự đoán về việc nới lỏng chính sách.

Tháng 11 chính là tháng tốt nhất đối với chỉ số Dow Jones kể từ tháng 10/2022. S&P 500 và Nasdaq Composite cũng ghi nhận tháng tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 7/2022.

Dầu giảm do lo ngại về nhu cầu và nghi ngờ về việc cắt giảm của OPEC+

Sự sụt giảm hôm thứ Hai làm tăng thêm mức giảm 2% vào tuần trước sau khi việc cắt giảm nguồn cung được Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, gọi chung là OPEC+ công bố hôm thứ Năm.

Khép phiên, dầu thô Brent kỳ hạn giảm 42 cent, tương đương 0,53%, ở mức 78,46 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI của Hoa Kỳ lùi 37 cent, tương đương 0,5%, xuống 73,70 USD.

Vandana Hari, người sáng lập của công ty chuyên cung cấp các phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights, cho biết: “Dầu thô dường như tiếp tục chịu áp lực từ quyết định của OPEC+.”

Việc cắt giảm của OPEC+ về bản chất là tự nguyện, làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu các nhà sản xuất có thực hiện đầy đủ chúng hay không. Các nhà đầu tư cũng không chắc chắn về việc cắt giảm sẽ được đo lường như thế nào.

Mặt khác, hoạt động sản xuất toàn cầu trì trệ cũng gây áp lực lên giá cả.

Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết dữ liệu mới nhất cho thấy những “cơn gió ngược” mạnh mẽ về kinh tế củng cố mối lo ngại về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ.

Những cân nhắc về địa chính trị lại được chú trọng khi giao tranh tiếp tục diễn ra ở Gaza. Quân đội Hoa Kỳ cho biết hôm Chủ nhật rằng ba tàu thương mại đã bị tấn công trong vùng biển quốc tế ở phía nam Biển Đỏ.

Trong khi đó, các nước phương Tây đã tăng cường nỗ lực thực thi mức trần giá 60 USD/thùng đối với các chuyến hàng dầu của Nga bằng đường biển nhằm trừng phạt Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine.

Washington hôm thứ Sáu đã áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với ba thực thể và ba tàu chở dầu.

Các tin khác