Phố Wall tiếp tục nhuộm đỏ; Giá dầu hồi phục nhẹ

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ trượt dài vào thứ Ba (03/10) khi lợi suất trái phiếu kho bạc chạm các mức cao nhất kể từ năm 2007. Giá dầu phục hồi nhẹ sau khi chạm đáy trong ba tuần, do các nhà đầu tư cân nhắc đồng đô la Mỹ mạnh hơn. 
Phố Wall tiếp tục nhuộm đỏ; Giá dầu hồi phục nhẹ

Dow Jones giảm hơn hơn 400 điểm

Kết phiên, Dow Jones lao dốc 430.97 điểm, tương ứng 1.29% ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 3, đóng cửa ở mức 33,002.38.

S&P 500 mất 1.37% còn 4,229.45 điểm. Trong phiên, có thời điểm chỉ số này chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 1.87% xuống 13,059.47 điểm do nhóm cổ phiếu tăng trưởng ghi nhận đà sụt giảm mạnh nhất khi lãi suất tăng cao.

Sau phiên giảm điểm vào thứ Ba, Dow Jones nhuốm màu ảm đạm trong năm nay với mức giảm 0.4%. Tuy nhiên, S&P 500 vẫn còn tăng 10% trong năm 2023.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm đỉnh 4.8%, mức cao nhất trong 16 năm. Lợi suất cơ bản đã tăng vọt trong những tháng vừa qua khi Fed cam kết duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn. Lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm cũng chạm mức cao nhất kể từ năm 2007 tại 4.925%.

Theo ông Alex McGrath, Giám đốc đầu tư tại NorthEnd Private Wealth: “Đà tăng của lợi suất chính là một trở ngại lớn đối với thị trường chứng khoán.”

Cổ phiếu giao dịch ngược chiều với lãi suất trái phiếu trong suốt phiên và giảm giá mỗi khi lợi suất tăng vọt.

Chất xúc tác mới nhất cho đà tăng của lợi suất chính là kết quả khảo sát cơ hội việc làm được công bố hôm thứ Ba. Khảo sát cho thấy 9.6 triệu cơ hội việc làm trong tháng 9, cao hơn so với dự báo 8.8 triệu việc làm từ các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Dow Jones. Thị trường lao động khả quan tạo điều kiện cho Fed thắt chặt chính sách mà không lo sợ rằng mình sẽ đi quá xa.

Tâm lý lo sợ bao trùm các sàn giao dịch khi phiên ngày thứ Ba kết thúc với Chỉ số Biến động CBOE nhảy vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 5. Chỉ số này sẽ tăng khi nhà đầu tư nhận thấy nhiều biến động trong thời gian tới.

Dầu phục hồi từ mức thấp nhất 3 tuần nhờ đồng đô la mạnh

Khép phiên, dầu thô Brent kỳ hạn lừi 10 cent xuống 90,61 USD/thùng, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong phiên là 89,50 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 8/9. Dầu thô WTI của Hoa Kỳ, tiến 37 cent lên 89,19 USD/thùng. Đầu phiên, dầu WTI đã giảm xuống 87,76 USD, thấp nhất kể từ ngày 12/9.

Cân nhắc về giá cả, đồng đô la Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng so với rổ các đồng tiền lớn sau khi chính phủ Mỹ tránh được việc đóng cửa một phần và dữ liệu kinh tế làm tăng kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn hoặc thậm chí tăng lãi suất trở lại.

Mặc khác, lãi suất cao hơn và đồng đô la mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều này có thể làm giảm nhu cầu dầu.

Trong khi đó, các nhà đầu tư đang để mắt đến bất kỳ thông tin cập nhật nào về nguồn cung, do kỳ vọng về nguồn cung thắt chặt hơn xuất hiện sau quyết định của Ả Rập Saudi và Nga vào tháng trước về việc gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm. Hai nước này đều là thành viên của OPEC+.

Nhóm sản xuất dự kiến sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng của mình khi họp vào thứ Tư, duy trì việc thắt chặt nguồn cung.

Theo một cuộc khảo sát của Reuters, Ả Rập Saudi dự kiến sẽ tăng giá bán chính thức tháng 11 của dầu thô Arab Light sang châu Á trong tháng thứ 5 liên tiếp.

Các cuộc đàm phán để khởi động lại xuất khẩu dầu của Iraq thông qua đường ống dẫn dầu thô chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tiếp diễn, một quan chức dầu mỏ Iraq nói với Reuters hôm thứ Ba, một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các hoạt động sẽ bắt đầu lại trong tuần này sau gần 6 tháng ngừng hoạt động.

Iraq - nhà sản xuất lớn thứ hai của OPEC - hôm thứ Ba cũng cho biết họ sẽ trao 30 dự án dầu khí mới trong vòng cấp phép thứ năm và thứ sáu.

Thị trường đang chờ đợi dữ liệu ngành hàng tuần về tồn kho dầu thô của Mỹ. Một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến giảm khoảng 100.000 thùng trong tuần trước.

Các tin khác