Đối mặt nhiều vụ việc PVTM
Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ việc PVTM. Nếu như trong giai đoạn 2005-2010 chỉ có 25 vụ kiện, thì giai đoạn 2017-2021, số vụ kiện PVTM đã tăng lên 93 vụ. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cũng là nơi hàng hóa Việt bị kiện PVTM nhiều nhất với 37 vụ; kế tiếp lần lượt là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Australia, EU, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan…
Những nhóm ngành hàng xuất khẩu đang phải đối mặt với nguy cơ bị kiện PVTM là sắt, thép, nhôm, tôn, đồng, dệt may, nhựa, giấy, trang thiết bị máy móc, giày dép và nông thủy sản, phụ gia chăn nuôi, bột ngọt…
Theo sau vụ kiện, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt biện pháp tự vệ, áp dụng các mức thuế chống bán phá giá cao ngất ngưởng. Có thể kể đến như Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp mức thuế lên tới 456% với một số sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội; hay như sản phẩm sơ sợi dún polyester chịu mức thuế là 22,36%... Điều này đã làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường nước sở tại, thậm chí còn đứng trước nguy cơ bị đóng cửa với nhiều thị trường xuất khẩu khác.
Một yếu tố khác, các nước nhập khẩu cho rằng, nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam được nhập khẩu từ những nước đã bị các nước nhập khẩu hàng Việt Nam áp dụng biện pháp PVTM. Và cuối cùng là nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam có tính cạnh tranh mạnh so với hàng hóa sản xuất của doanh nghiệp nước sở tại, khiến các doanh nghiệp nước nhập khẩu yêu cầu chính phủ phải khởi xướng các cuộc điều tra và áp dụng biện pháp PVTM.
Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm
"Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Việc xóa bỏ những rào cản thuế quan đang tạo ra rất nhiều thuận lợi để hàng hóa Việt Nam tiến sâu và không ngừng mở rộng tại các nước xuất khẩu. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi thì các nước nhập khẩu hàng Việt sẽ tăng cường áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất hàng hóa trong nước" Ông TRẦN QUỐC KHÁNH, Thứ trưởng Bộ Công thương |
Việc cung ứng thông tin nhằm phản bác chứng cứ mà doanh nghiệp nước sở tại đưa ra đã chủ động, kịp thời hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ thắng kiện đạt mức trên dưới 20%/tổng vụ kiện - là còn quá thấp. Do vậy, trong thời gian tới, cần có sự phối hợp chặt giữa nhà quản lý và doanh nghiệp để xử lý hiệu quả vấn đề này.
Theo đó, doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị đầy đủ về tâm thế, kiến thức, kỹ thuật, nguồn lực để kháng kiện hiệu quả; khắc phục sự khác biệt về ngôn ngữ, pháp lý, văn hóa. Đặc biệt, phải thường xuyên trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước, dự trù việc thuê luật sư khi cần thiết và xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại.
Ở góc độ khác, các doanh nghiệp cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần thúc đẩy đấu tranh buộc các nước nhập khẩu xóa bỏ quy định xếp Việt Nam vào “tình trạng thị trường đặc biệt” - một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp trong nước rất khó để thắng tại các vụ kiện PVTM.
Cục trưởng Cục PVTM Bộ Công thương Lê Triệu Dũng cho biết thêm, hiện Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra 23 vụ việc hàng nhập khẩu vào nước ta, đồng thời tăng cường tiếp nhập hồ sơ đề nghị điều tra PVTM của các doanh nghiệp trong nước. Đây là giải pháp nhằm bảo vệ chuỗi hàng hóa sản xuất trong nước.
Song song đó, bộ đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện, hay cơ quan điều tra nước ngoài.
Bộ cũng chủ động cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc. Về dài hơi, bộ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện PVTM tại nhiều thị trường khác nhau để doanh nghiệp chủ động theo dõi, từ đó có sự chuẩn bị ứng phó kịp thời.