Phòng, chống rửa tiền: Bóc tách tội phạm mới

Ngày mai 15-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự luật Phòng, chống rửa tiền. Thảo luận tại tổ trước đó, nhiều đại biểu, đại diện cơ quan quản lý nhận định hành vi rửa tiền ở Việt Nam ngày càng tăng sau khi cán bộ, công chức phải kê khai tài sản cá nhân theo Luật Phòng, chống tham nhũng.

Ngày mai 15-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự luật Phòng, chống rửa tiền. Thảo luận tại tổ trước đó, nhiều đại biểu, đại diện cơ quan quản lý nhận định hành vi rửa tiền ở Việt Nam ngày càng tăng sau khi cán bộ, công chức phải kê khai tài sản cá nhân theo Luật Phòng, chống tham nhũng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Việt Nam việc biến tiền bẩn thành tiền sạch rất dễ vì văn hóa dùng tiền mặt vẫn phổ biến. Chính vì vậy nhiều ý kiến băn khoăn, cho rằng dự luật này nếu được ban hành nhưng vẫn không khắc phục được những bất cập như hiện tại sẽ rất khó áp dụng trong thực tế.

Bày tỏ những nhận định về khó khăn, thách thức trong việc phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận tình trạng trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng, sản xuất và buôn bán hàng giả, các vụ đầu cơ trên thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng ngày càng gia tăng.

Các đối tượng được hưởng lợi cũng đã thông qua các hoạt động hợp pháp như gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng, một số khác chuyển tiền gửi sang các ngân hàng nước ngoài, nơi có luật bí mật ngân hàng.

Chính vì thói quen dùng tiền mặt, thiếu kiểm soát chặt chẽ việc kê khai tài sản là nguyên nhân khiến cho Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, xác nhận qua 6 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lực lượng cảnh sát chưa phát hiện được vụ rửa tiền nào.

Trong khi đó, theo dự thảo, với việc liệt kê phần lớn các hoạt động giao dịch, mở tài khoản qua hệ thống ngân hàng mới đưa vào diện đáng ngờ rửa tiền, rõ ràng dự luật khó kiểm soát được hết hoạt động rửa tiền. Trong thực tế, hoạt động rửa tiền thường tập trung ở những quốc gia đang phát triển, sử dụng nhiều tiền mặt.

Sở dĩ ở các nước quản lý, phát hiện và xử lý hành vi rửa tiền có hiệu quả do mọi nguồn tiền lưu thông đều được kiểm soát qua hệ thống ngân hàng. Bất kỳ hành vi nào chuyển tiền qua ngân hàng có nghi ngờ đều được cảnh báo và cơ quan pháp luật sẽ nhanh chóng xác minh, làm rõ gốc gác và đường đi của đồng tiền nghi vấn.

Còn ở nhiều nước như Việt Nam, giả sử tội phạm buôn bán ma túy, tham nhũng có thể vác cả bao tải tiền đầu tư vào bất động sản, chứng khoán thì không thể kiểm soát được. Vì vậy, nếu chỉ bằng giải pháp kiểm soát qua kênh ngân hàng sẽ khó phát hiện hết.

Từ thực tế trên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần giao Bộ Công an chủ trì xây dựng dự luật Phòng, chống rửa tiền thay vì để Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối.

Đặc biệt, với việc quy định tổ chức đầu mối phòng chống rửa tiền là một văn phòng thuộc Ngân hàng Nhà nước càng không hợp lý và chưa thể hiện được vai trò quan trọng của hoạt động phòng, chống rửa tiền. Bởi nhiều nước trên thế giới có hẳn một cơ quan, lực lượng cảnh sát điều tra về loại tội phạm này.

Trên thế giới hiện có 4 mô hình phòng, chống loại tội phạm này, trong đó có đến 3 mô hình được giao cho các cơ quan thực thi pháp luật, mô hình còn lại cũng phải có cơ quan điều tra riêng. Để việc phòng, chống rửa tiền có hiệu quả cần có sự phối hợp tham gia của liên bộ, ngành.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng nếu quy định đơn vị chống rửa tiền là một trung tâm thuộc Ngân hàng Nhà nước sẽ không phù hợp vì rửa tiền có liên quan đến hoạt động tội phạm, cần có sự tham gia của các cơ quan bảo vệ pháp luật như Bộ Công an mới hiệu quả.

Hơn nữa ngân hàng chỉ có chuyên môn về tài chính, tiền tệ, không có chức năng điều tra, xử lý nên sẽ gặp khó khăn trong việc này. Vì thế, tổ chức phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước chỉ nên là cơ quan đầu mối, nắm bắt thông tin, còn để đấu tranh có hiệu quả phải có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, đặc biệt là ngành công an.

Các tin khác