Sau khi phát hiện các ca dương tính tại 2 chợ ở Đà Nẵng, các tỉnh thành khác chú ý hơn công tác phòng dịch ở các chợ truyền thống, chợ tự phát. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên tại TPHCM cho thấy, một bộ phận không nhỏ tiểu thương và người dân khi đến các chợ trên địa bàn thành phố vẫn có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, bảo vệ bản thân, cộng đồng.
Còn tâm lý chủ quan
7 giờ sáng 24-8, tại chợ Bình Khánh (quận 2), khi đang có hàng trăm người tấp nập ra vào mua bán, không khó để bắt gặp một số tiểu thương và người dân không đeo khẩu trang. Tương tự, tại chợ dân sinh Đo Đạc (tổ dân phố 48, phường Bình An, quận 2), người bán lẫn người mua vẫn vô tư cười nói, trao đổi hàng hóa mà không đeo khẩu trang. Dọc tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa nằm bên hông chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), các cửa hàng, quán ăn, xe đẩy hàng rong, tình trạng tiểu thương và người dân không đeo khẩu trang rất nhiều. Nhiều người không quan tâm đến việc giữ khoảng cách tiếp xúc an toàn theo các khuyến cáo về phòng chống dịch.
Vẫn còn một số người thờ ơ với việc đeo khẩu trang (ảnh chụp tại hẻm thông chợ Bàn Cờ, phường 3, quận 3). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Xung quanh khu vực chợ Hòa Bình (quận 5) nằm trên tuyến đường Bạch Vân - Chiêu Anh Các, ý thức của một số người dân về phòng dịch còn rất chủ quan. Người bán, người mua tấp nập nhưng ít người đeo khẩu trang, hoặc chỉ đeo để đối phó. Do buôn bán trên lòng lề đường nên bồn rửa tay, dung dịch sát khuẩn đều không có. Thậm chí, có người sau khi nhận tiền từ khách, còn thản nhiên cầm, đưa đồ ăn trực tiếp vào miệng. Hỏi về lý do không mang khẩu trang, ông Lê Thanh Tâm (buôn bán cua, góc đường Bạch Vân) bao biện: “Có mang khẩu trang, nhưng vì nóng nực quá nên tháo ra chút. Với lại, chợ quá ồn ào, mang khẩu trang, nói người ta không nghe rõ nên tháo ra”.
Tại chợ Gò Vấp (phường 4, Gò Vấp), quy định đứng cách nhau 2m chỉ được thực hiện tại các sạp hàng vắng khách như hàng khô, thực phẩm chế biến sẵn; trong khi đó, tại các sạp bán thịt gia súc, rau củ quả, vào đầu buổi sáng, người dân đi chợ đông, thói quen khách hàng đứng sát nhau, vây quanh người bán, tận tay lựa chọn từng miếng thịt, mớ rau vẫn diễn ra phổ biến.
Chợ Bình Tây (quận 6) hiện có gần 2.400 sạp, số lượng tiểu thương và phụ việc khoảng 5.600 người, số lượng khách mua sắm, tham quan trung bình trên 6.000 người/ngày. Theo Ban Quản lý chợ Bình Tây, hiện tại những trường hợp không thực hiện quy định phòng chống dịch sẽ bị từ chối không cho vào chợ. Tuy nhiên, ông Cao Văn Thành - Phó Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Tây vẫn không bớt lo lắng khi cho biết: Phía bên ngoài chợ, nhiều người vẫn còn tâm lý khá chủ quan nên việc quản lý cũng không hề đơn giản, việc họ đeo khẩu trang cũng chỉ thực hiện khi bị lực lượng chức năng của phường kiểm tra, nhắc nhở.
Siết chặt việc phòng dịch
Trên địa bàn TPHCM có hàng trăm chợ truyền thống, hàng ngàn chợ tạm, tự phát. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho tiểu thương và người tiêu dùng, UBND các quận, huyện triển khai nhiều giải pháp, tăng cường lực lượng hỗ trợ ban quản lý các chợ truyền thống phòng chống dịch, kiên quyết dẹp bỏ các chợ tạm, tự phát.
Tại quận 1, Ban Quản lý chợ Tân Định đã cho phát thanh liên tục thông điệp nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch. Đồng thời, phát tờ rơi tuyên truyền và bố trí nước rửa tay khô, khẩu trang ở các chốt bảo vệ cho người tiêu dùng. Còn tại chợ đầu mối Hóc Môn, nơi có trên 20.000 người hoạt động mỗi đêm, vấn đề an toàn dịch được đặt lên hàng đầu. Đại diện ban quản lý chợ cho biết, ngoài trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn tay, chợ còn thành lập tổ cơ động tuyên truyền các biện pháp an toàn, đo thân nhiệt cho tiểu thương tại chợ, đồng thời phun xịt khử khuẩn các nhà lồng, xe hàng ra vào chợ thường xuyên.
Quận 8 hiện có 16 chợ truyền thống, 1 chợ đầu mối Bình Điền và hàng chục trung tâm thương mại, siêu thị. UBND quận 8 đã triển khai tiêu chí đánh giá an toàn đối với chợ nói riêng và các trung tâm thương mại, siêu thị nói chung. Qua đó, các đơn vị đều đánh giá từ 95 điểm trở lên, đảm bảo thực hiện tốt, hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, thành viên Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền, chợ có khuôn viên rộng, mỗi nhà lồng khoảng 20.000m2, với lượng người mua bán dao động từ 15.000-20.000 người ra vào mỗi ngày. Ban quản lý chợ đã quy định tiểu thương, người đến mua hàng bắt buộc phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đo thân nhiệt an toàn mới được vào chợ. Tuy nhiên, sau đợt 1, dịch lắng xuống, người dân có phần lơ là, chủ quan.
Ông Nguyễn Văn Hoàng khẳng định: “Rút kinh nghiệm từ Đà Nẵng, chúng tôi bắt buộc mọi người đều phải đeo khẩu trang toàn bộ thời gian 100% khi ở chợ. Hàng đêm, có 1 đội hoạt động tương tự đội phản ứng nhanh để đi kiểm tra, yêu cầu người dân chấp hành. Kiên quyết xử phạt những trường hợp không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch”. Còn theo đại diện UBND quận 8, mặc dù tất cả các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn đạt tiêu chí phòng chống dịch, nhưng nguy cơ lây nhiễm còn ở mức cao. Quận 8 sẽ tăng cường công tác kiểm tra đột xuất tại khu vực chợ, trung tâm thương mại, siêu thị…
Rõ ràng, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bên cạnh công tác đảm bảo an toàn cho tiểu thương và người dân khi đến chợ mua bán, chính quyền địa phương cũng phải xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch tại các chợ trên địa bàn, có vậy dịch mới sớm được ngăn chặn và đẩy lùi.
Tại cuộc họp mới đây với UBND quận 8, sau khi nghe lãnh đạo quận này báo cáo về nguy cơ mất an toàn phòng dịch tại chợ đầu mối Bình Điền, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, yêu cầu Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền và UBND quận 8 tăng cường công tác phòng chống dịch; chỉ đạo chung các quận huyện cần tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên đối với các đối tượng có nguy cơ như lái xe, tiểu thương ở chợ đầu mối… để kịp thời ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng. |