Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây đau thắt ngực
Trước hết người bệnh cần hiểu rõ về các cơn đau thắt ngực cũng như các bệnh lý liên quan đến biểu hiện bệnh này. Cụ thể, đau thắt ngực là dấu hiệu điển hình của bệnh lý động mạch vành. Theo nhiều nghiên cứu thống kê, bệnh động mạch vành là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới (khoảng 30%), cao hơn hẳn các bệnh lý khác như nhiễm trùng, bệnh lao hay ung thư…
Các cơn đau thắt ngực được chia thành 2 nhóm chính: ổn định và không ổn định. Trong đó, đau thắt ngực ổn định là những cơn đau xuất hiện khi người bệnh gắng sức, làm việc nặng hoặc căng thẳng, stress tâm lý. Khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc dãn mạch sẽ làm giảm cơn đau. Cơn đau có thể kéo dài vài phút, vài lần trong ngày, hoặc vài ngày vài tuần mới xuất hiện một lần.
Khác với đau thắt ngực ổn định, đau thắt ngực không ổn định là những cơn đau xuất hiện bất cứ lúc nào ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi, cơn đau kéo dài trên 20 phút, mức độ dữ dội, có thể kèm theo nhiều triệu chứng khác như khó thở, vã mồ hôi, choáng váng, buồn nôn, ngất lịm… Cơn đau không giảm ngay cả khi người bệnh ngưng gắng sức và dùng thuốc dãn mạch. Đau thắt ngực không ổn định là tình trạng cấp cứu, có thể đe dọa tính mạng người bệnh vì thế người bệnh cần được đưa đến bệnh viện sớm để các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần nắm rõ, cơn đau thắt ngực mạn tính (đau thắt ngực ổn định) thường xuất hiện trong thời gian ngắn, tần suất thấp và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đau thắt ngực cấp tính (đau thắt ngực không ổn định), nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim (do bệnh mạch vành cấp), rối loạn nhịp tim gây ngưng tim hoặc đột tử.
Nguyên nhân của đau thắt ngực là gì. Đau thắt ngực có nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp nhất là do xơ vữa động mạch vành dẫn đến tình trạng trái tim bị thiếu oxy. Nguyên nhân chính dẫn đến xơ vữa động mạch vành là quá trình lắng đọng và tích tụ cholesterol trong thời gian dài.
Vì vậy, đau thắt ngực thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người bệnh trẻ tuổi cũng xuất hiện bệnh động mạch vành nên không thể chủ quan. Các yếu tố yếu tố nguy cơ dẫn đến đau thắt ngực cũng như bệnh động mạch vành bao gồm nhiều yếu tố. Theo nghiên cứu y khoa các yếu tố nguy cơ chia làm hai nhóm: những yếu tố không thay đổi được như lớn tuổi, nam giới, tiền sử gia đình có người bị bệnh tim mạch sớm. Những yếu tố có thể thay đổi được như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, hút thuốc lá, béo phì, lối sống ít vận động. Người càng có nhiều yếu tố nguy cơ, nguy cơ bị đau thắt ngực cũng như bệnh mạch vành càng cao.
Điều trị và phòng ngừa đau thắt ngực một cách hiệu quả
Với y học hiện đại ngày nay, việc điều trị cơn đau thắt ngực do bệnh động mạch vành sẽ cần áp dụng kết hợp các phương pháp điều trị bằng thuốc và điều chỉnh chế độ sinh hoạt. Trong trường hợp người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao, các bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật can thiệp để tái thông động mạch vành, thủ thuật này sẽ được áp dụng tùy thuộc vào mức độ phát triển của bệnh.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh với thức ăn ít cholesterol, ít muối. Tăng cường các loại rau, trái cây, ngũ cốc. Đặc biệt, người bệnh cần có chế độ tập luyện lành mạnh: tăng cường vận động để cải thiện lưu thông hệ tuần hoàn. Tùy theo khả năng gắng sức, có thể chọn các bài tập nhẹ ngàng, vừa phải như đi bộ nhanh, tập yoga, đạp xe đạp, bơi lội… Cần chú ý không hút thuốc lá, tránh thức khuya, căng thẳng stress tâm lý quá mức thì hiệu quả điều trị bệnh mới tốt.
Theo khuyến cáo chung của các bác sĩ chuyên khoa, người có triệu chứng đau thắt ngực, đặc biệt là người có nhiều yếu tố nguy cơ cần đến bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám, tầm soát bệnh động mạch vành và có hướng điều trị thích hợp nếu có bệnh. Riêng đối với những tình huống đau thắt ngực không ổn định, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức để có thể tăng khả năng sống sót nếu nhồi máu cơ tim xảy ra.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM gần đây tiếp nhận điều trị cho người bệnh Trần Văn H. (nam, 30 tuổi, ngụ tại TPHCM), nhập viện khi có các triệu chứng đau tức vùng sau xương ức, có cảm giác nghẹn và khó thở sau khi chơi thể thao. Anh H. cho biết mình thường cảm thấy những biểu hiện trên khi vận động mạnh, tuy nhiên tần suất đau thắt ngực ngày càng tăng, bị đau ngay cả khi nghỉ ngơi nên quyết định đến kiểm tra.
Khi được tiếp nhận điều trị, người bệnh được thực hiện một số kiểm tra lâm sàng và yêu cầu thực hiện chụp mạch vành cùng với siêu âm trong lòng mạch. Các bác sĩ chẩn đoán đây là dấu hiệu của cơn đau thắt ngực không ổn định, động mạch vành hẹp 80%. Anh H. nhanh chóng được can thiệp bằng phương pháp đặt 1 stent, đồng thời kê toa thuốc điều trị. Sau can thiệp, người bệnh hết đau ngực, khả năng gắng sức cải thiện và nhanh chóng hồi phục.