Rừng không ngừng “chảy máu”
Dù giá đất ở Phú Quốc không còn “sốt” như hơn 1 năm trước, song tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng hiện vẫn tiếp tục diễn ra trên hòn đảo này. Có mặt tại khu vực rừng bên trong cột mốc số 526 (ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc) do Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý vào một ngày giữa tháng 5, PV Báo SGGP ghi nhận một vạt rừng rộng hàng ngàn mét vuông bị san ủi, lấn chiếm. Cạnh đó, một công trình đã được dựng lên, nhiều đá vuông được chở đến chất thành đống để chuẩn bị xây móng công trình, tường rào.
Vòng qua xã Bãi Thơm, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều diện tích rừng sau khi bị lấn chiếm, san lấp đã “mọc” lên hàng loạt công trình nhà ở. Qua tìm hiểu, một diện tích rừng đặc dụng khoảng 35.000m2 đã bị bà Lê Thị Kim Tr. và nhiều đối tượng lấn chiếm, xây 13 căn nhà trái phép.
Cách đó không xa, một khu rừng đặc dụng khác (diện tích gần 13.200m2) bị bà Lê Thị O. và một số người lấn chiếm cũng xuất hiện 22 căn nhà xây dựng không phép. “Những căn nhà này đã được chủ bán giấy tay, lập vi bằng. Không ít căn nhà được mua đi bán lại nhiều lần dẫn đến tranh chấp, ẩu đả xảy ra”, ông Trần Thanh Cường (ngụ xã Bãi Thơm) cho hay.
Theo Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc, chưa đầy 1 tháng qua, lực lượng này đã phát hiện 10 vụ lấn chiếm đất rừng trên địa bàn. Và không chỉ đất rừng, rất nhiều diện tích đất bãi bồi, đất trong khu bảo tồn biển do Nhà nước quản lý cũng bị lấn chiếm. Tính riêng tại xã Hàm Ninh đã có hơn chục vụ lấn chiếm đất Nhà nước quản lý để xây dựng công trình. Trong đó, đáng chú ý nhất là vụ lấn chiếm đất trong Khu bảo tồn biển ở tổ 5, ấp Cây Sao (xã Hàm Ninh), xây dựng 9 bungalow.
“Các công trình xây dựng trái phép này hình thành hơn 2 năm qua, địa phương nhiều lần đến kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định cưỡng chế, nhưng đến nay không hiểu sao vẫn tồn tại”, một người dân ngụ xã Hàm Ninh bức xúc.
Từ tháng 6-2022 đến nay, trên địa bàn TP Phú Quốc xảy ra 681 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng với diện tích 256,2ha. Lực lượng chức năng đã xử lý hành chính 597 vụ; xử lý hình sự 21 vụ, với 37 đối tượng; còn lại 63 vụ chưa xử lý.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện 1.063 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất Nhà nước quản lý với tổng diện tích hơn 428ha (đã xử lý 423 vụ, chưa xử lý 600 vụ, 40 vụ các xã đang làm hồ sơ báo cáo UBND TP Phú Quốc).
Hầu hết diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp, đất do Nhà nước quản lý bị lấn chiếm, san lấp được các đối tượng lấn chiếm, phân lô, bán nền trái phép. Hiện trên địa bàn TP Phú Quốc có khoảng 420 khu phân lô, với hơn 8.707 thửa đất, tổng diện tích 194,97ha; trên đất có hơn 900 căn nhà.
Theo Thành ủy TP Phú Quốc, đây là những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu phạm tội hình sự. Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, cấp phép xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng chủ sử dụng đất vẫn làm đường bê tông, kéo điện vào các khu đất, tự phân lô, tách thửa, chuyển nhượng.
Tập trung điều tra, xử lý
Trong số hàng trăm khu phân lô trái phép ở Phú Quốc, khu phân lô LHĐ (xã Cửa Cạn) và khu phân lô K8 (xã Cửa Dương) là 2 khu phân lô có quy mô hàng chục hécta, do Công ty LHĐ thực hiện. Liên quan đến các vi phạm, sai phạm tại 2 khu phân lô này, cuối tháng 4 và đầu tháng 5, cơ quan điều tra đã bắt giữ nhiều đối tượng, trong đó có Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn Du Việt Thanh để điều tra hành vi nhận hối lộ.
Nhà mọc lên tại khu phân lô trái phép của nhóm đối tượng thuộc Công ty LHĐ ở xã Cửa Cạn, TP Phú Quốc
Mới đây, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cửa Dương Trần Văn Việt và 3 đội trưởng quản lý bảo vệ rừng (thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc) cũng đến cơ quan công an đầu thú... Dù đang bị điều tra nhưng tại 2 khu phân lô trái phép nói trên, nhiều đối tượng vẫn tiếp tục môi giới, lừa bán đất nền. Để lôi kéo người mua, các môi giới quảng cáo “dự án” tuy chưa có sổ đỏ, nhưng toàn bộ đất phân lô đã được đưa ra khỏi ranh rừng!
Một lãnh đạo Thành ủy TP Phú Quốc xác nhận, thời gian qua, trên địa bàn TP Phú Quốc, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng; lấn chiếm đất Nhà nước quản lý (đất bãi bồi, khu bảo tồn biển)… diễn biến phức tạp; trong đó có các khu phân lô trái phép. Để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các vụ vi phạm đất đai, lâm nghiệp, xây dựng trên địa bàn, lãnh đạo Thành ủy TP Phú Quốc cho biết, đã chỉ đạo UBND TP Phú Quốc yêu cầu các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường triển khai quyết liệt các giải pháp, biện pháp.
Cụ thể, giao Công an TP Phú Quốc tập trung phối hợp với Vườn quốc gia, Hạt Kiểm lâm, Viện KSND TP Phú Quốc và UBND các xã, phường khẩn trương xác minh, điều tra, khởi tố vụ án, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, sai phạm liên quan. Đặc biệt, UBND các xã, phường phải nâng cao vai trò quản lý nhà nước ở cơ sở.
“Nơi nào để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đất do Nhà nước quản lý, xây dựng trái phép, Bí thư và Chủ tịch UBND xã, phường ở đó phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy - UBND TP Phú Quốc”, lãnh đạo Thành ủy TP Phú Quốc nhấn mạnh.
Lãnh đạo Thành ủy TP Phú Quốc yêu cầu khi phát hiện vi phạm (xây dựng nhà, công trình vật kiến trúc, trồng cây trái phép… trên diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ), Vườn quốc gia Phú Quốc phối hợp với UBND các xã, phường, Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc, các cơ quan liên quan kịp thời xử lý ngay, không để kéo dài thời gian cho các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm.
Để rõ hơn công tác quản lý đất rừng của Vườn quốc gia Phú Quốc tại 2 xã Cửa Cạn và Cửa Dương, PV Báo SGGP đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc, để hẹn trao đổi nhưng vị này không trả lời. Phóng viên đến gặp ông Lê Minh Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, để nắm thông tin về công tác quản lý đất đai, xử lý công trình vi phạm tại khu phân lô LHĐ, ông này thoái thác: “Tôi chuẩn bị họp. Các anh liên hệ Vườn quốc gia Phú Quốc để nắm rõ hơn”.