Phục dựng bánh cung đình Huế

(ĐTTCO)-Bánh màu Pháp Lam chỉ có duy nhất ở cố đô Huế nhưng gần như thất truyền vì độ kỳ công quá cao, nếu còn ít người biết cách làm đúng điệu.
Phục dựng bánh cung đình Huế
Dựa trên 5 màu sắc cơ bản nghệ thuật Pháp Lam - di sản có giá trị đặc biệt của triều Nguyễn (1802-1945) - gồm các màu cam, tím, vàng, lục, xanh, bánh màu Pháp Lam từng góp phần tạo nên nghệ thuật ẩm thực đỉnh cao của bánh Huế.
Loại bánh độc đáo này được Phạm Thị Diệu Huyền (ảnh), người sáng lập dự án Mộc Truly Hue’s từng đạt Giải A tại cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2019, nỗ lực phục dựng nhằm góp phần nâng tầm giá trị ẩm thực Huế.
Phục dựng bánh cung đình Huế ảnh 1 Với nhãn mác của Mộc Truly Hue’s, mọi người có thể vừa thưởng thức đặc sản Huế, vừa được ngắm và biết thêm thông tin, câu chuyện các thắng cảnh, di tích Huế.
Bánh màu Pháp Lam có khuôn bên ngoài bằng giấy ngũ sắc của các nghệ nhân làng nghề hoa giấy Thanh Tiên trên 300 năm tuổi, nay thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Tỉ mỉ từng nếp gấp giấy ngũ sắc, sắp xếp tầng lớp và xen kẽ cấu trúc với nhau tạo khuôn bánh màu Pháp Lam.
Đặc biệt, ẩn bên trong vỏ hộp là những chiếc bánh truyền thống mang những hương vị riêng, những câu chuyện riêng góp phần tạo nên di sản văn hóa ẩm thực ở xứ sở từng là kinh đô cả nước hàng trăm năm. 
“Từ xưa, các bà nội trợ Huế nhuần nhuyễn trong công-hạnh, cố gắng sáng kiến cũng như hòa hợp, học hỏi thêm những nơi khác để tạo thành những chiếc bánh thơm ngon. Khi đãi khách, bánh Huế nói chung, bánh màu Pháp Lam nói riêng đã chinh phục khẩu vị khách phương xa bằng hương vị cũng như vẻ đẹp từ sự khéo léo của người phụ nữ. Chính những phụ nữ xứ Huế, qua thời gian đã gìn giữ và nâng tầm nghệ thuật cho ẩm thực của cố đô, góp phần vào nền ẩm thực phong phú của Việt Nam” - Diệu Huyền chia sẻ. 
Gần một giờ đồng hồ cùng Diệu Huyền trải nghiệm thực hiện hộp bánh màu Pháp Lam, gần như công đoạn nào cũng khó và công phu. Theo đó, để tạo ra hộp bánh màu Pháp Lam đúng chuẩn, từ khâu chọn giấy đến đo, cắt, xếp đều phải cẩn thận, tỉ mỉ. Giấy gấp bánh rất mềm, mỏng nên người thợ cần khéo léo để tránh làm hỏng nếp giấy mà vẫn giữ được độ đứng cho hộp.
Đồng thời, người gấp phải nắm được quy luật phối màu và đan giấy, miếng giấy phải cắt đều tay, vuông vức. Khi cắt giấy, người thợ tập trung và khéo léo đan từng mảnh giấy lồng vào nhau, chỉ sai một chút phải làm lại từ đầu.
Về phần ruột bánh, Diệu Huyền cho biết bánh Pháp Lam rất ngon, lại công phu khi chế biến nhưng hạn sử dụng và bảo quản không dài. Để khắc phục, chị đã thay thế bằng những món bánh cổ truyền khác của Huế như bánh phục linh, bánh in, bánh hạt sen - những loại bánh xuất hiện thường nhật, là sự kết hợp giữa ẩm thực cung đình Huế với văn hóa dân gian. Cách thay thế này sẽ khiến khách hàng dễ ăn, dễ kiếm mà giá thành phù hợp.
Tìm ra giá trị chuẩn xác những món ăn của cha ông theo đúng nguyên nghĩa cả về chất lượng lẫn tên gọi thông qua nỗ lực phục hồi bánh màu Pháp Lam, dự án Mộc Truly Hue’s của Diệu Huyền (thường gọi là “Gói ân tình xứ Huế”; “Xứ Huế thu nhỏ”) mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng tinh tế, đang nỗ lực nâng tầm giá trị những sản vật nguy cơ bị thất truyền.
Hơn thế nữa, đưa các đặc sản nổi tiếng xứ Huế đến mọi miền Tổ quốc, để mọi người thưởng thức sản vật ở một vùng đất từng là kinh đô của đất nước. 
Ấn tượng nhất là những sản phẩm với hương vị đặc trưng của sen Huế, đã được Mộc Truly Hue’s khéo léo lồng ghép những câu chuyện để du khách có cơ hội khám phá tầng sâu văn hóa Huế qua giá trị về ẩm thực, văn hóa, lịch sử…
Để làm được điều này, Diệu Huyền mày mò sáng tạo, đưa chất liệu màu sắc, mô-tip của văn hóa Huế vào họa tiết, mẫu mã bao bì sản phẩm trên tranh làng Sình - dòng tranh dân gian nổi tiếng xứ Huế.
“Bao bì nhãn mác, bình thường khi bóc một gói mè xửng - đặc sản nổi tiếng của cố đô Huế, bạn sẽ vứt cái vỏ. Nhưng với nhãn mác của Mộc Truly Hue’s, mọi người có thể vừa ăn đặc sản Huế vừa được ngắm và biết thêm thông tin, câu chuyện các thắng cảnh, di tích Huế.
Hoặc cũng có thể giữ lại, trưng cất làm kỷ niệm như một bức tranh về Huế” - Diệu Huyền chia sẻ.

Các tin khác