Phục vụ đồ uống có cồn: Bất cập nơi được, nơi không

(ĐTTCO) - Hiện nay, trừ TP Thủ Đức và quận 7, quán ăn ở các quận huyện còn lại tại TPHCM được phục vụ tại chỗ nhưng không được bán đồ uống có cồn. Dù vậy, nhiều quán ăn trước áp lực chi phí hoạt động đã bán rượu bia cho thực khách khi chưa được phép. 

Đoàn kiểm tra phường 3 (quận Gò Vấp) lập biên bản một chủ quán bán rượu bia cho thực khách vào đêm 2-11. Ảnh: VĂN MINH

Đoàn kiểm tra phường 3 (quận Gò Vấp) lập biên bản một chủ quán bán rượu bia cho thực khách vào đêm 2-11. Ảnh: VĂN MINH

Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở

Tối 2-11, theo chân Đoàn kiểm tra liên ngành quận Gò Vấp kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, vốn được xem là phố ăn nhậu. Theo ghi nhận, đa số các nhà hàng, quán ăn đều chấp hành đúng quy định phòng chống dịch Covid-19 như đảm bảo giãn cách, không bán đồ uống có cồn. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra phát hiện có không ít quán không tuân thủ, vẫn công khai bán rượu bia cho khách. Lúc 19 giờ 15, đoàn kiểm tra liên ngành có mặt tại quán ở số 78 Phạm Văn Đồng (phường 3, quận Gò Vấp). Quán bày biện nhiều bàn phục vụ khách cả ngoài vỉa hè lẫn bên trong quán. Trong đó, chủ quán có bán bia phục vụ thực khách ở 2 bàn. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu tạm ngưng bán bia, rượu và lập biên bản vi phạm.

Việc nhắc nhở, kiểm tra cũng được nhiều địa phương tập trung thực hiện. Trong đó, quận 5 chỉ đạo các phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực hiện theo các tiêu chí về phòng chống dịch Covid-19 và không được phép phục vụ đồ uống có cồn trước khi được phép. Bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND quận 5 cho biết thêm, quận cũng thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với các tổ kiểm tra cấp phường thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở thực hiện tốt yêu cầu phòng chống dịch cũng như kiểm tra, xử lý hàng quán phục vụ rượu, bia cho khách.

Một lãnh đạo UBND quận 11 cho biết, theo báo cáo của đoàn kiểm tra ở các phường đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thì chưa phát hiện trường hợp vi phạm bán đồ uống có cồn. Dù vậy, quận chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung kiểm tra. Tương tự, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, thời gian qua, việc kiểm tra, nhắc nhở các hàng quán về việc tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 được quận thực hiện thường xuyên. Tại thời điểm kiểm tra, các đoàn chưa phát hiện việc quán ăn bán rượu bia cho khách. Theo bà Lê Thị Ngọc Dung, hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không đông khách, vì người dân vẫn còn e ngại tụ tập đông người. Dù vậy, quận vẫn sẽ tập trung kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh tuân thủ nghiêm túc các tiêu chí phòng chống dịch.

Kiến nghị mở rộng việc phục vụ rượu, bia

Theo quy định của UBND TPHCM, hiện nay các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ phải đáp ứng bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19. Các cơ sở chỉ được hoạt động công suất tối đa 50%, kết thúc trước 21 giờ và không để khách sử dụng đồ uống có cồn. Riêng quận 7 và TP Thủ Đức được thực hiện thí điểm (đến 15-11) hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống và đồ uống có cồn ở một số phường. Dù vậy, qua ghi nhận thực tế, số quán ăn phục vụ lượng khách đông, không đảm bảo quy định giãn cách và bán rượu bia cho thực khách khi chưa được phép là không ít, như dọc đường Phạm Văn Đồng, dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè... 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Chủ tịch UBND phường 1, quận Gò Vấp cho biết, sau khi các cơ sở kinh doanh ăn uống được bán trở lại, phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc chấp hành các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Qua đó, phường đã lập biên bản vi phạm đối với nhiều quán vì cho khách sử dụng đồ uống có cồn. Tuy nhiên, bà Kim Phụng nhận xét, các cơ sở nhà hàng đang chịu sức ép lớn về chi phí thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên nên khi khách đến quán yêu cầu phục vụ đồ uống có cồn đành chấp nhận chiều theo và chịu đóng phạt để có doanh thu duy trì hoạt động. Một lãnh đạo UBND quận 11 cũng nhận xét, việc chỉ cho phép hàng quán thí điểm phục vụ rượu bia tại một số phường ở quận 7, TP Thủ Đức dẫn đến một số bất cập. Đặc biệt, quán ăn, nhà hàng không được bán đồ uống có cồn khiến lượng khách đến quán rất ít, làm doanh thu bị ảnh hưởng.

Ở góc độ kinh doanh, ông Nguyễn Vĩnh Ba, chủ nhà hàng Làng Hoa, đường Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp cho biết, sau khi TPHCM cho phép bán tại chỗ, cơ sở mở cửa hoạt động trở lại. Cơ sở tuân thủ các quy định của bộ tiêu chí như quét mã QR, bố trí bàn ăn đảm bảo giãn cách, trang bị nước khử khuẩn… Dù vậy, việc chưa được phép bán đồ uống có cồn đã gây khó khăn cho hoạt động của các hàng quán. “Nhiều người khi đi ăn thường có ly bia, rượu để dễ giao tiếp. Quán chưa được phục vụ rượu, bia nên khách từ chối đến. Lượng khách đến quán những ngày qua giảm mạnh so với trước”, ông Ba rầu rĩ và kiến nghị TPHCM sớm mở rộng địa bàn cho phép hàng quán được phục vụ đồ uống có cồn.

Bà ĐẶNG THỊ HỒNG NGỌC, chủ nhà hàng Pachi Pachi, số 52 Mạc Đĩnh Chi (quận 1, TPHCM)
Nhà hàng của chúng tôi đã hoạt động trở lại được 4 ngày nhưng ở mức cầm chừng. Khi mở cửa trở lại, nhà hàng tuân thủ quy định phòng chống dịch, làm tấm chắn ngăn cách giữa các bàn. Chúng tôi chưa bán đồ uống có cồn. Việc cơ quan chức năng lý giải chưa cho hàng quán ở nhiều địa phương bán đồ uống có cồn vì lo sợ mọi người uống nhiều quá khích, giao tiếp gần dễ lây dịch bệnh là chấp nhận được.

Tuy nhiên, quy định hàng quán chỉ được phép bán đến 21 giờ là chưa hợp lý. Ở nhà hàng chúng tôi, trước đây thường 22 giờ sẽ ngưng nhận khách và 23 giờ đóng cửa. Theo quy định hiện nay thì 20 giờ 15 nhà hàng phải ngưng nhận khách để đến 21 giờ là kịp đóng cửa. Việc khống chế thời gian đến 21 giờ làm nhà hàng chỉ nhận được 1 lượt khách. Cộng thêm quy định cho phép cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ tiếp nhận dưới 50% khách càng làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các hàng quán phục vụ ăn uống.

Các tin khác