Gần 4.000 căn hộ nói trên tọa lạc trên diện tích hơn 38,4ha, nằm trong tổng thể 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hoàn thành từ năm 2015, dự án này được nhiều khách hàng quan tâm, do sở hữu vị trí đắc địa ngay trong khu đô thị mới, tiếp giáp với đại lộ Mai Chí Thọ, nối liền trung tâm TPHCM đi thành phố Thủ Đức.
Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 5.300 căn hộ thuộc dự án này, tập trung tại các lô từ R1 đến R7 còn để trống, chưa có người ở. Từ đó đến nay, tuy có bảo trì, nhưng do "vô chủ", nên hàng nghìn căn hộ từng ngày xuống cấp, dù kinh phí bảo trì, bảo dưỡng cho các căn hộ còn trống mỗi năm khoảng 70 tỷ đồng.
UBND TPHCM đã 2 lần tổ chức đấu giá 3.790 căn hộ nói trên từ năm 2017 và 2018, nhưng cả hai lần đều không tìm được người mua.
Lần đầu tiên vào năm 2017, giá đấu đưa ra là 8.800 tỷ đồng. Lần thứ 2 vào năm 2018, giá đấu 9.100 tỷ đồng. Ở lần thứ 3 này, giá đấu dự kiến là 9.900 tỷ đồng, tăng 8% so với lần 2 và tăng 12,5% so với lần đầu tiên. Trong các lần đấu giá trước, tính bình quân mỗi căn hộ chưa đến 3 tỷ đồng tại vị trí như Thủ Thiêm không phải là cao, nhưng cả hai lần đấu giá vẫn không thành.
Theo phấn tích của giới đấu tư, nguyên nhân khó tìm được khách mua vì UBND TPHCM chủ trương đấu giá trọn lô, thu tiền một lần nên đối tượng tham gia đấu giá bị giới hạn trong phạm vi các doanh nghiệp, tổ chức; nhà đầu tư cá nhân thì khó tham gia.
Ngoài ra, quy định ký quỹ, thanh toán tiền trong quá trình đấu giá cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức "bất kham". Vì phải ký quỹ đến 20% giá khởi điểm, nếu trúng đấu giá phải nộp 50% giá trị trúng thầu trong vòng một tháng, và 50% còn lại trong 90 ngày.
Số tiền lớn, mà thời gian thanh toán lại quá ngắn, nên không có doanh nghiệp, tổ chức nào "mặn mà".
Chia sẻ với báo chí cuối tuần qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng thành phố đã đấu giá 2 lần thất bại, vì có quá nhiều vấn đề bất cập cần phải thay đổi. Theo ông Châu, nếu đấu giá lại lần này không thành công, thì thành phố nên tính phương án giảm giá. Mức giảm Chủ tịch HoREA đưa ra là 10%.
Ông cũng kiến nghị có thể chia nhỏ từng Block vài trăm căn hộ để đấu giá, thay vì bán "sỉ" hàng nghìn căn hộ.
Ngày 2-6, HoREA có văn bản gửi lãnh đạo UBND TPHCM và cá doanh nghiệp, tiếp tục nêu một số nội dung, lưu ý các doanh nghiệp khi tham gia đấu giá “gói sản phẩm” này và kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản quan tâm tham gia đấu giá.
Phân tích của HoREA, do được quy hoạch thành hai cụm có kết cấu hạ tầng kỹ thuật độc lập, nên có nhiều khả năng thành phố sẽ tổ chức 2 cuộc đấu giá với “rổ hàng” có giá trị rất lớn, nhằm mời gọi các nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh tham gia đấu giá. Sẽ không đấu giá một số căn hộ theo phương thức dành cho cá nhân có nhu cầu như Hiệp hội đã đề xuất trước đây.
Nhà đầu tư trúng đấu giá chắc chắn sẽ nâng tầm uy tín thương hiệu. Nếu có nhu cầu đầu tư dự án mới tại vị trí này (được thành phố xem xét chấp thuận), thì càng tăng uy tín thương hiệu cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Hiệp hội lưu ý các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản tham gia đấu giá phải lưu ý một số mặt hạn chế của sản phẩm. Do các căn hộ có nguồn gốc là dự án nhà tái định cư, có ý kiến quan ngại về chất lượng công trình cũng như chất lượng vật tư, vật liệu xây dựng, trang thiết bị so với các dự án nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó, còn có ý kiến quan ngại về quy hoạch, thiết kế toà nhà cũng như căn hộ, về các tiện ích phục vụ cư dân...
Do vậy, HoREA lưu ý nhà đầu tư tham gia đấu giá sắp tới cần nghiên cứu kỹ và có kế hoạch cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, bổ sung thêm các tiện ích, dịch vụ.
Ngoài ra, các nhà đầu tư còn phải nghiên cứu thêm các yếu tố, bao gồm giá khởi điểm đấu giá là khá cao, giá cao quá sẽ không hiệu quả kinh doanh. Yếu tố tiếp theo HoREA lưu ý là có thể phải “cạnh tranh” trong đấu giá, cần chuẩn bị nguồn vốn đầu tư lớn, nên vấn đề mấu chốt là đánh giá hiệu quả sản phẩm.