Hút hàng từ quý II
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong tháng 4, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức 16 đợt đấu thầu TPCP tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, với tổng giá trị gọi thầu đạt 31.500 tỷ đồng, tổng giá trị đặt thầu 94.586 tỷ đồng. Kết quả giá trị trúng thầu đạt 26.302 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu đạt 83,5%.
Trong đó, 2 kỳ hạn 10 năm và 15 năm có khối lượng gọi thầu cao nhất, lần lượt 14.250 và 10.000 tỷ đồng. Tỷ lệ trúng thầu đạt 99,3% giá trị gọi thầu đối với kỳ hạn 10 năm và 78,2% ở kỳ hạn 15 năm. Lãi suất trúng thầu có xu hướng tăng ở hầu hết kỳ hạn. Thị trường TPCP tháng 4 được đánh giá sôi động, vì giá trị trúng thầu 26.302 tỷ đồng này tăng 215% so với tháng trước và tăng tới hơn 756% so với cùng kỳ 2020.
Còn nhớ hồi tháng 1, KBNN tổ chức 12 phiên đấu thầu TPCP với tổng giá trị gọi thầu 26.000 tỷ đồng, giảm 37.325 tỷ đồng so với tháng 12-2020. Tổng giá trị trúng thầu đạt 23.496 tỷ đồng, tương đương 90,3%. Nhưng sang tháng 2, giá trị trúng thầu so với tổng giá trị gọi thầu sụt giảm mạnh. Tổng giá trị gọi thầu 18.000 tỷ đồng nhưng tổng giá trị trúng thầu chỉ đạt 3.515 tỷ đồng, tương đương 19,5% tổng giá trị gọi thầu, trái phiếu kỳ hạn 10 và 15 năm chiếm 80%. Đến tháng 3, KBNN tổ chức 21 đợt đấu thầu với tổng giá trị gọi thầu 29.750 tỷ đồng, tổng giá trị đặt thầu của các thành viên lên đến 68.088 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị trúng thầu chỉ đạt 12.194 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu 41%.
Trong tháng 5, TPCP diễn biến tích cực nối tiếp đà hồi phục của tháng 4. Báo cáo của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết tuần đầu tháng 5 (từ 4-5 đến 7-5), KBNN tổ chức gọi thầu tại 4 loại kỳ hạn 7 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm với khối lượng lần lượt 500 tỷ đồng, 6.000 tỷ đồng, 3.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng. Kết quả cho thấy lượng đặt thầu cho kỳ hạn 7 năm gấp 3,9 lần giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 50%. Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 10 năm bằng 2,19 lần giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 82%, kỳ hạn 15 năm cao hơn 1,78 lần giá trị gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 61,67% và kỳ hạn 20 năm cao hơn 2,8 lần giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu ở mức 100%.
Đặc biệt vào tuần thứ 2 (từ 10-5 đến 14-5), KBNN tổ chức gọi thầu tại 4 loại kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm, với khối lượng lần lượt ở mức 1.500 tỷ, 5.000 tỷ, 2.500 tỷ và 1.500 tỷ đồng. Lượng đặt thầu cho các kỳ hạn cao đột biến so với giá trị gọi thầu, kỳ hạn 5 năm gấp 4,3 lần, kỳ hạn 10 năm gấp 3,6 lần, kỳ hạn 15 năm gấp 2,5 lần, kỳ hạn 30 năm gấp 1,9 lần. Tỷ lệ trúng thầu tuần này tăng mạnh, lên mức 100% tổng mức gọi thầu của tuần.
Theo BVSC, đây là tuần lễ TPCP đạt tỷ lệ trúng thầu cao nhất kể từ đầu tháng 2-2021 tới nay. Theo đó, đến giữa tháng 5, KBNN đã hoàn thành 44% kế hoạch phát hành quý và 23,87% kế hoạch phát hành cả năm. Lượng phát hành TPCP từ đầu năm đến giữa tháng 5 cũng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 83.000 tỷ đồng, trong khi tính tới cuối tháng 5-2020 tổng lượng phát hành mới đạt trên 56.000 tỷ đồng.
Nguồn cầu vẫn còn lớn
Cùng với khối lượng huy động tăng vọt trong tháng 4 và 5, lãi suất TPCP trong những tháng đầu năm cũng có xu hướng tăng nhẹ ở hầu hết kỳ hạn. Tại thời điểm tháng 4, lãi suất kỳ hạn 5 năm ở mức 1,16%, tăng 0,06% so với tháng 1; kỳ hạn 7 năm ở mức 1,5%/năm, tăng 0,13%; kỳ hạn 10 năm ở mức 2,38%, tăng 0,12%; kỳ hạn 15 năm ở mức 2,6%, tăng 0,13%; kỳ hạn 20 năm ở mức 3,02%, tăng 0,1%; kỳ hạn 30 năm ở mức 3,14%, tăng 0,03%.
TPCP là loại tài sản có tính an toàn cao, khả năng bảo toàn vốn cho khách hàng gần như tuyệt đối. Thông thường, khi nền kinh tế khó khăn, nhu cầu đầu tư vào kênh này tăng mạnh và lãi suất sẽ giảm. Ngược lại, khi nền kinh tế phục hồi, TPCP không hấp dẫn vì vốn sẽ đổ vào các kênh rủi ro, lãi suất TPCP sẽ tăng.
Tuy nhiên, diễn biến trong những tháng đầu năm có vẻ không theo quy luật thông thường, khi nền kinh tế có tín hiệu phục hồi nhưng đầu tư vào TPCP có xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái và lợi suất cũng tăng. Nguyên nhân lãi suất tăng có thể lý giải do hiệu ứng tăng lợi suất TPCP của Mỹ trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ có tín hiệu hồi phục tốt so với kỳ vọng đã lan tỏa trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, lợi suất TPCP còn đảo chiều tăng do lạm phát kỳ vọng của năm nay cao hơn, khi giá cả hàng hóa trong những tháng đầu năm có xu hướng bật tăng mạnh.
Khối lượng trúng thầu TPCP tăng mạnh có thể xuất phát từ nhóm NHTM, đối tượng luôn nắm giữ lượng lớn TPCP được phát hành trong nhiều năm qua. Nhu cầu nắm giữ TPCP của các nhà băng được dự báo tăng lên do yêu cầu quản lý cơ cấu tài sản an toàn các tiêu chuẩn quốc tế như Basel II hay Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Bởi khi tính toán lượng tài sản có rủi ro để xác định mức độ an toàn vốn, TPCP được phân bổ trọng số rủi ro bằng 0.
Trong bối cảnh dịch bệnh, rủi ro cho vay doanh nghiệp cũng tăng lên, theo đó TPCP lại càng củng cố vị thế an toàn cho NH. Hơn nữa trong quý II, lượng TPCP đáo hạn ước tính hơn 60.000 tỷ đồng, kỳ vọng vào nhu cầu tái đầu tư của các thành viên trên thị trường rất lớn, thị trường TPCP chắc chắn sẽ còn được hâm nóng trong những tháng tới.
Với chính sách tiền tệ được nới lỏng do dịch bệnh, lãi suất tái chiết khấu ở mức thấp, cộng với lo ngại lạm phát ngày càng tăng, TPCP vẫn là kênh đầu tư có lãi đối với nhà đầu tư tổ chức trong dài hạn. |