PSG - Vì đâu nên nỗi?

Trong tổng số 353 doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh năm 2012, CTCP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Sài Gòn (PSG) trở thành cái tên khá đặc biệt. Sự khác biệt không đến từ những con số tài chính khả quan mà lại đến từ doanh nghiệp thua lỗ nặng nhất trên TTCK tính đến thời điểm hiện tại.

Trong tổng số 353 doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh năm 2012, CTCP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Sài Gòn (PSG) trở thành cái tên khá đặc biệt. Sự khác biệt không đến từ những con số tài chính khả quan mà lại đến từ doanh nghiệp thua lỗ nặng nhất trên TTCK tính đến thời điểm hiện tại.

Tham vọng lớn

PSG tiền thân là CTCP Xây lắp dầu khí miền Nam, sau được đổi tên thành CTCP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Sài Gòn trên cơ sở sáp nhập với CTCP Xây lắp Incomex cuối năm 2009. Ngay sau khi đổi tên, PSG đã tăng vốn điều lệ từ 130 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng thông qua việc chuyển đổi trái phiếu.

Toàn bộ vốn góp của công ty do cổ đông trong nước nắm giữ, trong đó cổ đông tổ chức chiếm 44,5%, cổ đông cá nhân nắm giữ 55,5%. Hoạt động kinh doanh chính của PSG là xây lắp và sau đó kiêm thêm đầu tư kinh doanh bất động sản.

Theo thống kê, doanh thu của PSG trong năm 2009 đạt hơn 68 tỷ đồng, tăng hơn 11 lần so với kỳ hoạt động đầu tiên của doanh nghiệp tính từ ngày 1-8-2008, do công ty đã ký rất nhiều hợp đồng về xây lắp, xây dựng công trình như: dự án PetroVietnam Landmark, chung cư B4 Kim Liên, khách sạn PetroLand Tây Ninh.

Được sự hỗ trợ mạnh từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cộng với việc sáp nhập với Incomex, PSG liên tục nhận thầu thêm nhiều công trình lớn khiến doanh thu và lợi nhuận năm 2010 tăng đột biến: tổng sản lượng thực hiện đạt 1.000 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 850 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 42,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 32,8 tỷ đồng.

Trước sự phát triển mạnh và quá nhanh này, PSG đã mạnh dạn đề ra những tham vọng lớn. Cụ thể, lãnh đạo PSG lúc bấy giờ đã tự tin xác định kế hoạch dài hạn là chuyển sang đầu tư tài chính, đặc biệt là bất động sản.

Dự kiến đến năm 2015, doanh thu PSG đạt 4.000 tỷ đồng, trong đó 50% doanh thu từ hoạt động đầu tư và 50% doanh thu từ hoạt động xây lắp; riêng năm 2011, kế hoạch của PSG phấn đấu tổng sản lượng thực hiện đạt 1.800 tỷ đồng, tổng doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 102 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 70,5 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước 80 tỷ đồng, chia cổ tức 17%.

Rơi tự do 

PSG chính thức niêm yết trên sàn HNX vào ngày 15-3-2010 với mức giá 9.300 đồng/CP. Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, giá CP PSG cũng rơi tự do và hiện chỉ còn 1.500 đồng/CP.

Thế nhưng, ngay khi quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản với những mục tiêu “khủng”, PSG đã nhận ngay “trái đắng”. Từ mức lợi nhuận hàng chục tỷ đồng trước đó, đến cuối năm tài chính 2011, PSG đã rơi vào tình trạng thua lỗ.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, lãnh đạo PSG vẫn cho rằng việc thua lỗ bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan. Chẳng hạn giải trình về nguyên nhân thua lỗ trong năm 2011, PSG cho rằng lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp là xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp.

Các công trình này được xây dựng theo phương thức trọn gói nên không thay đổi giá trong suốt quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, phần lớn các công trình đều bị chậm tiến độ do quá trình giải phóng mặt bằng và việc giao nhận hồ sơ luôn bị chậm trễ.

Chính vì vậy, các công trình thường bị kéo dài so với tiến độ. Do thời gian kéo dài, đơn giá vật tư, nhân công, thuế máy móc thiết bị khi bắt tay vào thi công thường cao hơn nhiều so với đơn giá dự toán ban đầu.

Ngoài ra, để có được tiền thi công đúng tiến độ và không vi phạm hợp đồng đã ký, PSG phải đi vay vốn ngân hàng với lãi suất cao từ 17-24%/năm. Tổng lãi vay trong năm 2011 của PSG xấp xỉ 55 tỷ đồng, trong khi năm 2010 chưa đầy 18 tỷ đồng. Áp lực lãi vay chính là lý do khiến PSG lần đầu tiên nếm mùi thua lỗ kể từ khi đi vào hoạt động.

Nợ vay và các khoản nợ quá lớn

Sau lần “ngã ngựa” này, lãnh đạo PSG đã chủ động đề ra các phương án khắc phục cho năm 2012 như: tập trung vào lĩnh vực xây lắp; tham gia đấu thầu và tìm kiếm các công trình xây dựng không chỉ trong ngành dầu khí và mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp cả nước; chỉ nhận thầu khi có được tính toán đáng tin cậy về lợi nhuận mang lại; thu gọn cơ cấu hoạt động của các phòng ban, tiết giảm tối đa chi phí, nâng cao hiệu quả công việc.

Tuy nhiên, những quyết sách này đã không mang lại hiệu quả khi PSG thua lỗ nặng hơn trong năm 2012. Theo BCTC quý IV-2012 vừa được công bố, PSG tiếp tục lỗ hơn 69 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế năm 2012 lên gần 251 tỷ đồng.

Trong đó doanh thu bán hàng của PSG trong quý IV-2012 chỉ đạt 15,2 tỷ đồng (giảm 96% cùng kỳ năm trước), lũy kế cả năm 2012 đạt hơn 77 tỷ đồng (giảm 92% năm 2011). Dù chi phí tài chính quý IV-2012 có giảm 26% so với quý IV-2011 và chi phí tài chính cả năm 2012 giảm 36% so với năm 2011, song vẫn lên đến hơn 87,6 tỷ đồng, vượt quá doanh thu.

Điều đáng nói là tình hình tài chính của PSG cuối năm 2012 khá bi đát do doanh nghiệp đang ở tình trạng thiếu vốn lưu động. Theo BCTC quý IV-2012, tổng tài sản của PSG tính đến thời điểm ngày 31-12-2012 là 1.108 tỷ đồng (giảm 410 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2012), nhưng tiền và các khoản tương đương tiền hiện chỉ còn hơn 1,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ vay và các khoản nợ phải trả hiện lên đến 1.032 tỷ đồng, bao gồm: nợ vay ngắn hạn 279 tỷ đồng, tiền phải trả cho người bán 295 tỷ đồng, người mua trả tiền trước 82 tỷ đồng, các khoản phải trả 284 tỷ đồng, nợ vay dài hạn 59 tỷ đồng.

Việc sử dụng vốn vay quá lớn trong khi phần nhiều các công trình được chuyển tiếp từ năm trước chính là nguyên nhân đẩy PSG đến bờ vực như hiện nay.

Các tin khác