PVcomBank sẽ lựa chọn thời điểm niêm yết bảo vệ cao nhất lợi ích cổ đông

(ĐTTCO) – Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề niêm yết cổ phiếu tại đại hội đồng cổ đông thường niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) năm 2022 diễn ra chiều 22-4, ông Nguyễn Khuyến Nguồn, thành viên HĐQT cho biết, PVcomBank đã trình Ngân hàng Nhà nước cho phép PVcomBank chủ động lựa chọn thời điểm niêm yết để bảo vệ cao nhất lợi ích của cổ đông.
Quang cảnh ĐHCĐ PVcomBank.
Quang cảnh ĐHCĐ PVcomBank.
Bảo vệ lợi ích cổ đông
Cũng theo ông Nguồn, về định hướng trong giai đoạn sắp tới, PVcomBank đã trình Ngân hàng Nhà nước cho phép chủ động lựa chọn thời điểm niêm yết phù hợp. Cũng theo ông Nguồn, giá trị cổ phiếu niêm yết phản ánh chất lượng tài sản ngân hàng. Do vậy, ngân hàng ưu tiên xử lý, sớm hoàn thành các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu và khi đó tài sản, giá trị cổ phiếu ngân hàng tốt lên, từ đó, bảo vệ cao nhất lợi ích của cổ đông.
Năm 2021, doanh thu hợp nhất của PVcomBank bằng 124% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tương đương 114%; doanh thu ngân hàng mẹ bằng 124% và lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ tương đương 106%. Tổng tài sản tính đến ngày 31-12-2021 của PVcomBank đạt 191.915 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.
Đồng thời, PVcomBank luôn đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước với tỷ lệ an toàn vốn đạt 9,34% (mức tiêu chuẩn là 9%).
Năm 2021, PVcomBank đã điều hành nguồn vốn thành công, huy động nguồn vốn giá rẻ tăng trưởng đúng mục tiêu với số dư huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và cá nhân đến 31-12-2021 đạt 157.957 tỷ đồng, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng chủ động trong mọi thời điểm.
Bên cạnh đó, PVcomBank tập trung tăng trưởng tín dụng chất lượng và hiệu quả, ưu tiên nguồn lực xử lý rủi ro, tồn tại cũ và thu hồi nợ cần xử lý. Tính đến 31-12-2021, số dư tín dụng đạt 102.664 tỷ đồng, tăng 0,2% so với năm 2020, chất lượng nợ được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,64% - thấp hơn mức 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
PVcomBank sẽ lựa chọn thời điểm niêm yết bảo vệ cao nhất lợi ích cổ đông ảnh 1 Ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch HĐQT PVcomBank.
Chuyển đổi nhanh thành ngân hàng hiện đại
Năm 2022, PVcomBank xác định hoạt động kinh doanh sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức song cũng là thời cơ để tạo ra bước đột phá, chinh phục thị trường. Với mục tiêu tăng trưởng hiệu quả song song với đảm bảo an toàn, PVcomBank đặt ra các chỉ tiêu kinh doanh chính: doanh thu hợp nhất đạt 14.373 tỷ đồng, doanh thu ngân hàng mẹ đạt 14.000 tỷ đồng…
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng số PVcomBank, năm 2020, PVcomBank đã thành lập và triển khai nhiều dự án ngân hàng số như: nâng cao chất lượng dịch vụ, số hóa các quy trình phục vụ khách hàng, nội bộ…
Năm 2020, PVcomBank sẽ triển khai mô hình kinh doanh hợp nhất trải nghiệm trên ngân hàng số cho khách hàng về các nhu cầu thiết yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục… 
Định hướng sắp tới là biến PVcomBank thành ngân hàng không dùng tiền mặt, giấy tờ dựa trên việc đưa ra các sản phẩm, dịch vụ online nhằm tạo ra sự đột phá về dịch vụ với tiện ích đơn giản, nhanh chóng hơn. 
“Mục tiêu của năm 2022 là chuyển đổi nhanh, biến PVcomBank thành ngân hàng hiện đại và tạo tiền đề cho việc gia tăng số lượng khách hàng ít nhất gấp 5 lần vào 2025”, bà Nga cho biết. 
Năm 2021, PVcomBank đã nghiên cứu và đưa vào áp dụng các ứng dụng mới (Smart form, Smart queue…); tự động hóa tối đa dịch vụ tại quầy; triển khai hiệu quả các tiện ích số giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, dễ dàng thực hiện các giao dịch mà không cần trực tiếp đến ngân hàng: chuyển khoản Online 24/7; gửi tiết kiệm Online; mở tài khoản online; thanh toán không tiếp xúc qua quét mã QR…
Trước đó, trong lễ ra mắt Ngân hàng số đầu năm nay, bà Nga cũng cho biết, sẽ có các kế hoạch mở rộng hợp tác, phát triển khách hàng như: kết nối cùng các công ty Fintech để mở rộng danh mục khách hàng, làm phong phú hệ sinh thái số; tăng thêm khoảng 3 triệu khách hàng, kết nối khoảng 25.000 điểm vật lý, tạo được không gian kết nối cho khoảng 50% lượng người truy cập internet để họ có thể tiếp cận dễ dàng được với sản phẩm, dịch vụ của PVcomBank; xây dựng một hệ thống sản phẩm dịch vụ thực sự khác biệt, thủ tục đơn giản, nhanh chóng như đúng tiêu chí của một Ngân hàng số thực sự.
Đánh giá tầm quan trọng của Ngân hàng số, ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch HĐQT PVcomBank cho rằng, việc ra mắt ngân hàng số là “sự kiện trọng đại thứ 2 của ngân hàng kể từ sau khi hợp nhất PVFC và Ngân hàng Phương Tây và thành lập PVcomBank năm 2013. 
Cũng theo ông Lâm, việc phát triển ngân hàng số đã đánh dấu cho một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới và là bước chuẩn bị nguồn lực về tài chính, con người cho cả một giai đoạn sống còn của ngân hàng.
Việc thành lập Ngân hàng số cũng như sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhân sự cho thấy tinh thần sẵn sàng đổi mới cho những mục tiêu bứt phá vượt trội mạnh mẽ và vươn tầm của PVcomBank.

Các tin khác