PVF "đổ đèo" vì thông tin rời sàn

Sụt giảm đến 40% kể từ phiên giao dịch ngày 19-8 đến nay, CP của Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (mã PVF) đã liên tục phá đáy trong lịch sử giao dịch niêm yết. Thị trường đang phản ánh những quan ngại của NĐT ngày hủy niêm yết PVF đang đến gần (24-9) để chuyển sang hoạt động theo pháp nhân mới là Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVcomBank).

Sụt giảm đến 40% kể từ phiên giao dịch ngày 19-8 đến nay, CP của Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (mã PVF) đã liên tục phá đáy trong lịch sử giao dịch niêm yết. Thị trường đang phản ánh những quan ngại của NĐT ngày hủy niêm yết PVF đang đến gần (24-9) để chuyển sang hoạt động theo pháp nhân mới là Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVcomBank).

Nỗi ám ảnh mang tên OTC

Còn nhớ cách đây 7 năm, khi TTCK rơi vào giai đoạn bùng nổ với việc các CP, chỉ số chứng khoán tăng trưởng một cách ấn tượng, giới đầu tư đua nhau mua vào các mã CP, kể cả niêm yết và không niêm yết với một khẩu hiệu nằm lòng “mua là thắng”. Sự sôi động của TTCK đã kéo theo một bộ phận lớn NĐT đua nhau mua vào CP của các công ty chưa niêm yết.

Thậm chí nhiều NĐT tìm mọi mối quan hệ để mua quyền mua CP của cán bộ nhân viên công ty đó mà không quan tâm đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó ra sao.

Tận dụng sức nóng của TTCK, nhiều doanh nghiệp tìm cách “đánh bóng” CP của doanh nghiệp mình trên OTC để phát hành CP theo kiểu “bán giấy lấy tiền”. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2008 mà đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng tài chính từ Hoa Kỳ nổ ra, TTCK Việt Nam bước vào một chu kỳ sụt giảm do lo ngại bất ổn vĩ mô, sự tác động từ kinh tế thế giới.

Kéo theo đó, các loại CP trên OTC cũng mất dần hấp dẫn. Thanh khoản của nhiều loại CP vốn được NĐT săn lùng trước đó rơi vào đóng băng. Nhiều NĐT không thoát được hàng bất đắc dĩ trở thành NĐT dài hạn, thậm chí trở thành con nợ cho những khoản vay trước đó. Sự suy giảm của thị trường niêm yết cũng khiến CP trên OTC bước vào giai đoạn “ngủ đông”.

Bởi sự sụt giảm của PVF thời gian gần đây dường như cũng xuất phát từ quan ngại khi CP này hủy niêm yết, kéo theo mất thanh khoản khi PVF trở thành CP OTC (PVcomBank) sau này, nên đã che lấp đi những thông tin tốt về trung, dài hạn đang có lợi nhất định cho NĐT đang nắm giữ PVF.

Đó là cổ đông đang nắm giữ PVF đang có lợi trong việc chuyển đổi CP sang PVcomBank theo tỷ lệ 1:1 với mệnh giá 10.000 đồng/CP. Như vậy, với những NĐT khi mua vào CP cuối tuần qua với mức 4.900 đồng/CP, sau khi chuyển đổi lợi nhuận đã tăng lên gấp hơn 2 lần.

Và trong trường hợp PVcomBank niêm yết sau này chắc chắn giá tham chiếu tối thiểu cũng phải ở mệnh giá. Như vậy, PVF hiện nay cũng như PVcomBank sau này sẽ được 2 lần đỡ giá ở 10.000 đồng/CP.

Sẽ niêm yết trong quý I-2015

“Bóng ma” về tính thanh khoản của CP trên TTCK phi tập trung (OTC) trở thành ám ảnh NĐT đối với PVF hiện nay hay PVcomBank sau này, dù đại diện ngân hàng mới cam kết sẽ tuân thủ mọi quy định về công bố thông tin như doanh nghiệp niêm yết và sẽ lên sàn trong thời gian sớm nhất.

Để được xét niêm yết, ngoài việc đáp ứng các điều kiện về vốn, tối thiểu 20% CP có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ… công ty hợp nhất phải thỏa mãn các điều kiện về ROE (tối thiểu 5%), kết quả kinh doanh 2 năm liền trước hợp nhất có lãi, không có lỗ lũy kế, không có nợ quá hạn quá 1 năm.

Với trường hợp của PVF 2 năm liền trước hợp nhất đều có lãi (năm 2012 và 2011 lần lượt là hơn 61 tỷ đồng và trên 347 tỷ đồng), song điểm vướng chính là ROE bởi theo kế hoạch kinh doanh của PVcomBank năm 2013 thì ROE là 4,64% còn năm 2014 là 8,35%. Như vậy, phải đến năm 2015, ngân hàng hợp nhất mới có thể niêm yết.

Theo ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch HĐQT PVcomBank, trước mắt, do việc hợp nhất PVcomBank sẽ phải tập trung cho ngân hàng ổn định hệ thống, đầu tư công nghệ, đào tạo nhân sự… nên dù ROE năm 2013 có thể đạt được theo chỉ tiêu để niêm yết vào năm 2014 nhưng để phát triển ổn định, bền vững PVcomBank sẽ tính toán cho việc niêm yết vào quý I-2015.

Trước những băn khoăn của NĐT nắm giữ CP PVcomBank, ông Lâm cho biết việc công khai, minh bạch thông tin về tình hình hoạt động sau khi PVF hủy niêm yết, PVcomBank vẫn sẽ tuân thủ các quy định về công bố thông tin của một công ty đại chúng lớn.

Cụ thể, PVcomBank sẽ tuân theo các yêu cầu về báo cáo của tổ chức tín dụng với Ngân hàng Nhà nước cũng như công khai, minh bạch các hoạt động kinh doanh hàng quý, bán niên, năm theo đúng quy định về công bố thông tin theo Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) có vốn điều lệ là 9.000 tỷ đồng, trụ sở chính tại số 22 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại thời điểm hợp nhất, PVcomBank sẽ là ngân hàng thương mại có tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng và có 102 điểm giao dịch trên toàn quốc. Trước mắt, ngân hàng hợp nhất dự tính sẽ đạt khoảng 420 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2013.

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cũng vừa có thông báo về việc hoán đổi CP PVF và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WTB) sang CP PVcomBank theo tỷ lệ 1:1. Ngày đăng ký cuối cùng là 26-9.

Các tin khác