Thời gian qua, PVI Holdings (PVI) liên tục công bố những kết quả kinh doanh ấn tượng, giá CP của PVI trên thị trường cũng có những biến động theo chiều hướng tích cực. Liệu điều đó có đem lại lợi ích cho cổ đông bên ngoài?
Đầu tháng 7-2011, Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam đổi tên thành CTCP PVI (PVI Holdings) và kể từ đó thị trường đã chứng kiến những sự thay đổi của công ty. Đầu tiên là việc bán 25% cổ phần cho Tập đoàn bảo hiểm Talanx (Đức) với giá 3.6 vào tháng 10, mức giá này cao hơn 2 lần so với mức giá của PVI trên sàn chứng khoán.
Trong khi nhiều doanh nghiệp còn đang “đánh vật” với việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh, PVI đã hoàn thành các chỉ tiêu từ lợi nhuận, doanh thu cho đến các vấn đề được đặt ra tại ĐHCĐ. So với mức giá đáy 1.1 vào tháng 5, mức giá của PVI vào cuối tuần qua đã tăng gần gấp 2 lần. Còn nếu so với mức giá hồi đầu năm, PVI là một trong số ít những CP tăng giá.
PVI hiện dẫn đầu trong thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với các sản phẩm chủ lực như tái bảo hiểm, bảo hiểm năng lượng, hàng hải, kỹ thuật tài sản, hàng không… Năm ngoái, PVI tiếp tục duy trì 100% thị phần bảo hiểm dầu khí và tư vấn cung cấp chương trình bảo hiểm cho các nhà thầu dầu khí hoạt động tại Việt Nam.
Có thể nói, với cổ đông lớn nhất là PetroVietnam, PVI có lợi thế trong hoạt động kinh doanh với một thị phần rộng và mạnh. Nhưng thử đặt ngược vấn đề, nếu không có PetroVietnam, liệu PVI có thể lớn mạnh? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Nói đến các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay, những người có chút am hiểu đều nghĩ đến một cuộc cạnh tranh gay gắt để giữ thị phần.
Trong khi đó, PVI giành được khách hàng thuộc khối PetroVietnam, nhưng đồng thời cũng là anh em của mình bằng cách nào? Cạnh tranh sòng phẳng với các công ty khác, hay có sự chỉ định thầu từ phía tập đoàn mẹ?
Giả sử có một sự ưu ái theo kiểu tự nguyện hay bắt buộc từ phía những người anh em của PVI trong việc sử dụng dịch vụ của công ty, đó cũng là điều dễ hiểu. Cùng một nhà, dễ hiểu nhau, dễ làm việc lại giúp nhau làm ăn, đó cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ưu ái dễ dẫn đến sự triệt tiêu luôn cả năng lực cạnh tranh. Vậy liệu một doanh nghiệp không cần tìm kiếm cũng có thị phần, có thể có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm thị phần hay không?
PVI đã đưa ra tham vọng hướng ra thế giới. PVI có thể “to” tại thị trường Việt Nam, nhưng trên thế giới thì chưa hẳn. Cũng cần nói thêm rằng vươn ra thế giới cũng có 5-7 đường và để đạt được cái mác “thị phần quốc tế” nhiều khi không mấy khó khăn.
Thí dụ, PetroVietnam tiến hành đầu tư tại một quốc gia nào đó, lập nên một công ty, hay một giàn khoan và chỉ định PVI bảo hiểm cho giàn khoan đó. Như vậy PVI nghiễm nhiên vươn ra biển lớn mà không tốn nhiều công sức. Nhưng điều này không phải là nền tảng cho một sự phát triển lâu dài.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua của PVI cho thấy nỗ lực của công ty trong hoạt động kinh doanh, nhưng NĐT cần nhiều hơn nữa sự thể hiện, để từ đó có thể thực sự tin rằng PVI là một ông lớn với thị phần lớn, có khả năng khai phá cũng như giữ vững những “mảnh đất” của mình.
Thị trường đã chứng kiến không ít trường hợp những doanh nghiệp với sự chở che từ phía tập đoàn mẹ, phát triển rất mạnh mẽ, nhưng khi mối quan hệ bị rạn nứt, doanh nghiệp con cũng xuống theo. Vì vậy, tin tưởng vào mối quan hệ giữa PVI và PetroVietnam trong việc hỗ trợ nhau phát triển, nhưng cũng không thể chỉ trông đợi vào mốt quan hệ này vì “bỏ trứng vào một giỏ” luôn chứa đựng rủi ro.
Thêm một vấn đề nữa của PVI là sự gắn kết với các NĐT. Việc bán cổ phần một lượng lớn ra bên ngoài, đã cho thấy ý định chia sẻ lợi ích cũng như huy động nguồn lực từ bên ngoài để tham gia các doanh nghiệp lớn của PetroVietnam.
Một điều chắc chắn là đối với NĐT nước ngoài, khi đã chấp nhận mua cổ phần với số lượng lớn, trở thành đối tác chiến lược, họ đã hiểu doanh nghiệp đến một mức độ nhất định. Đây là điểm tích cực của PVI vì hiện tại, nhiều công ty cổ phần hoạt động hiệu quả, tỷ lệ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty vẫn rất lớn và chưa có dấu hiệu sẽ giảm xuống.
Tuy nhiên, về tính tương tác giữa PVI và các NĐT bên ngoài vẫn có những điểm cần phải nói đến. Một chuyên gia phân tích chứng khoán chia sẻ vài năm trước khi gặp một số đại diện của PVI để trao đổi thông tin, họ rất hồ hởi trước những thông tin chỉ thấy… lạc quan và hy vọng, lần tới nếu có dịp gặp lại, họ sẽ khác. Doanh nghiệp hoạt động tốt, công bố thông tin liên tục là điều dễ hiểu, nhưng nếu có biến cố thì sao?
Để xứng tầm là một ông lớn, việc minh bạch phải được đảm bảo ngay cả những lúc hoạt động khó khăn. PVI đang tạo ra những lợi ích cho cổ đông sẵn có, nhưng với những NĐT nhỏ lẻ trên sàn và những cổ đông tổ chức tiềm năng, thiết nghĩ trong thời gian tới, công ty cũng nên có những động thái để tạo ra sự gắn kết hơn nữa.
Một thí dụ đơn giản, trong khi những đợt sóng của các CP “anh em” với PVI như PVA, PVX dù chỉ là sóng ngắn, nhưng thị trường đều rất quan tâm. Còn đối với PVI, nhiều NĐT cho biết nhìn sóng CP này mạnh nên cũng “thích” nhưng lại không “rành” nên rất khó lướt. Điều này đã được minh chứng qua những thành công trong việc công bố thông tin của VietinBank, những buổi trao đổi thông tin của ngân hàng này với các chuyên gia tài chính tháng 9 vừa qua, đã đem lại những cái nhìn tích cực.
Nếu đạt được những điều này, PVI mới có thể vừa thu hút được cổ đông lớn, cổ đông nhỏ lẻ, từ đó tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho tất cả các bên. Bằng không, việc chỉ giới hạn thông tin, lợi ích trong số ít cổ đông nào đó, sẽ đưa doanh nghiệp “đứng một góc” và NĐT nhỏ lẻ nhìn vào chỉ biết nói rằng: “CP này dễ nhìn nhưng khó xơi”.