Theo ông Phan Công Bằng - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố đã quá tải, chỉ cần sự cố gây cản trở giao thông cũng sẽ xảy ra ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên việc mở rộng đường là không thể khi những tuyến đường có mật độ dân số cao, nhu cầu giao thông lớn sẽ kéo theo đất dọc tuyến đường có giá trị lớn. Do đó, giải tỏa trên các tuyến đường này sẽ cần kinh phí rất lớn. Thậm chí, nhiều tuyến đường không còn quỹ đất để giải phóng mặt bằng.
Đã chật chội, thêm ngột ngạt
Với chiều dài gần 1km, rộng khoảng 6m nhưng đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận) hằng ngày phải gồng gánh hàng chục ngàn lượt xe qua lại. Xung quanh đó, nhà cửa mọc lên chi chít gây nên một cảm giác ngột ngạt khó tả mỗi khi đi qua đây.
Tình trạng kẹt xe diễn ra "như cơm bữa" trên tuyến đường này, đặc biệt vào giờ tan tầm trước khu vực Trường THCS Độc Lập và Trường mầm non Sơn Ca 5 (nằm sát nhau), giao thông rối loạn như "ong vỡ tổ".
Theo người dân khu vực, vài năm trở lại đây, nhà cửa mọc lên với tốc độ chóng mặt trong khi đường sá không được mở rộng, nâng cấp dẫn đến tình trạng này.
Tương tự, giao thông trên đường Âu Cơ (hai quận Tân Bình và Tân Phú) thường xuyên rơi vào tình trạng "báo động đỏ". Đường chỉ rộng 6-8m nhưng phải gồng gánh cư dân của nhiều chung cư dọc tuyến đường và lân cận.
Cũng tại quận Tân Bình, đường Trường Chinh - tuyến đường huyết mạch kết nối hai huyện Hóc Môn, Củ Chi với trung tâm thành phố - thường xuyên xảy ra ùn tắc. Qua theo dõi từ hệ thống camera giám sát giao thông, một số tuyến đường nội ô như Cộng Hòa, Trần Quốc Hoàn, Phan Văn Trị... hiện nay đã quá tải.
Ngoài ra, một số tuyến đường trục kết nối giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận như quốc lộ 1, 50, 22, 13, tỉnh lộ 10, đường Bà Hom, hương lộ 2... khả năng thông hành kém nhưng chưa thể nâng cấp do thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng.
Đường không theo kịp dự án
Tại quận 7, điểm nghẽn kẹt xe thường được nhắc đến trong giờ cao điểm là ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Thị Thập.
Trong khi đường Nguyễn Hữu Thọ là tuyến đường chính nối từ trung tâm thành phố về các khu dân cư phía nam thì đường Nguyễn Thị Thập cũng là con đường huyết mạch chạy từ phía đông sang phía tây của quận.
Không chỉ là nơi giao của hai đường chính, xung quanh ngã tư này còn có hàng loạt tòa nhà cao tầng, công trình công cộng và các tuyến đường nhánh dẫn vào các khu dân cư.
Cụ thể ở phía tây đường Nguyễn Hữu Thọ, hàng loạt tòa nhà cao tầng nằm sát đường, gần như không có nơi đậu chờ cho các xe đi và đến. Đằng sau các tòa nhà này là một khu dân cư đông đúc với hàng ngàn căn nhà liên kế với các đường nhánh kết nối thẳng với đường Nguyễn Hữu Thọ. Phía đông đường Nguyễn Hữu Thọ lại là hàng loạt điểm đến công cộng như siêu thị, nhà hàng, khu vui chơi.
Tương tự quốc lộ 13 đoạn đi qua phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức thường xuyên đông xe vào giờ cao điểm. Dòng xe vào trung tâm thành phố mỗi buổi sáng thường xuyên bị cắt ngang bởi rất nhiều ôtô từ đường số 3 đổ vào quốc lộ 13. Hầu hết các ôtô xuất phát từ một dự án khu nhà ở cao cấp ven sông phía trong đường số 3.
Hiện tại, nhiều dự án nhà ở tại phường Hiệp Bình Phước và Hiệp Bình Chánh được cấp phép có kết nối giao thông ra quốc lộ 13 làm tuyến đường này thường xuyên nghẽn xe trong khi dự án mở rộng quốc lộ 13 (từ chân cầu Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước) đến lúc này đã khép lại do không có nhà đầu tư.
Khu vực đường Nguyễn Xí đoạn từ cầu Đỏ đến bến xe Miền Đông (phường 26, quận Bình Thạnh) vừa được mở rộng cũng vẫn kẹt xe do nơi đây mọc lên hàng loạt chung cư cao tầng với số dân "khủng" kèm theo các trung tâm thương mại ở tầng trệt chung cư. Đoạn đường này luôn có nhiều ôtô đậu dưới lòng đường chờ khách từ các tòa nhà.
Ông Nguyễn Văn Tư, một người chạy xe ôm gần cầu Đỏ, cho biết trước kia đường Nguyễn Xí nhỏ, ít ôtô qua lại nhưng từ khi các tòa nhà cao tầng mọc lên thì lượng ôtô lưu thông qua đây tăng vọt. Một phần ôtô của cư dân từ các tòa nhà, một phần là ôtô đến trung tâm mua sắm... khiến giao thông khu vực này trở nên đông đúc.
Bản vẽ ổn, thực tế quá tải Một chuyên gia về quy hoạch tại TP.HCM cho biết từ trước đến nay, khi cấp phép xây dựng cho một công trình, dự án thường dựa trên hạ tầng theo đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000. Trong khi các dự án hạ tầng chờ ngân sách của Nhà nước đầu tư, chưa được xây dựng thì các dự án công trình trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở... đã được tư nhân đầu tư trước. Vì vậy, trên bản vẽ thì các dự án rất ổn nhưng thực tế lại gây ách tắc giao thông, quá tải cho hệ thống hạ tầng. |