Làng chìm, làng nổi
Làng nổi Tân Lập có tổng diện tích 135ha, và vùng đệm có diện tích tới hơn 500ha đang trong quá trình mở rộng làm khu du lịch. Làng nằm trên Quốc lộ 62 thuộc trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười, chỉ cách biên giới Campuchia 15km về phía Nam. Khi được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, người dân bản địa dọn ra ngoài sinh sống, chỉ có một số ít người dân là nhân viên du lịch ở thường xuyên trong làng nổi. Trong khu vực làng nổi có khu rừng tràm rộng lớn tạo nên một mảng xanh mêng mang, nổi lên giữa đồng bằng. Đến mùa nước lên, khắp khu vực đồng rộng xung quanh chìm trong biển nước trắng xóa, làng nổi bồng bềnh như một quần đảo xanh giữa vùng.
Cung đường tình yêu thơ mộng.
Nằm giữa rừng tràm mọc san sát nhau, khu du lịch đã cho xây dựng tuyến đường xuyên rừng dài tới 5km. Con đường chỉ vừa một người đi, được đỡ bằng cột chống để không ảnh hưởng tới dòng chảy và lắt léo qua từng khu rừng tràm. Vào mùa nước lên (tháng 8 đến tháng 11 âm lịch), rừng tràm phủ lên mình một màu xanh lá từ các loại dây leo, đến khi nước rút thì chuyển sang màu nâu sẫm, vỏ cây tràm tróc ra, lá khô rụng xuống kín đường.
Làng nổi Tân Lập nằm giữa kênh Rạch Rừng và sông Vàm Cỏ Tây, vì vậy du khách sẽ được khám phá rừng tràm bằng thuyền hoặc xuồng máy. Du khách sẽ lần lượt được đi qua cánh đồng súng, bến xuồng ba lá, rừng tràm nguyên sinh, cầu chữ X, chữ Y, hồ bán nguyệt, khu câu cá, cắm trại, khu nuôi thú hoang dã… Nếu đi vào tháng 10, tháng 11 hoa sen, súng rở rộ, cảnh sắc tuyệt đẹp. Cũng tùy vào từng mùa nước mà độ sâu của các con rạch khác nhau, tuy vậy, để đảm bảo an toàn, hướng dẫn viên luôn khuyến cáo du khách mặc áo phao. Các thợ thuyền vốn là dân bản địa, họ cũng chính là hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình nhất giới thiệu về làng nổi Tân Lập.
Du khách khám phá làng nổi bằng du thuyền.
Đan xen với các con đường bêtông còn có những cây cầu khỉ thô sơ mà đầy chất miền Tây dung dị, có cung đường tình yêu với những chiếc chong chóng sắc màu, được tô điểm khắp nơi là hoa chuông vàng rực rỡ, có những chiếc xích đu làm từ cây nhà lá vườn làm mê mẩn khách tham quan.
Khu sinh thái “tinh khiết”
Khu sinh thái “tinh khiết”
Từ khi được đưa vào khai thác du lịch sinh thái, người dân dần chuyển ra ngoài sinh sống và hình thành thói quen bảo vệ môi trường. Các loài động vật về đây làm tổ nhiều hơn như cò, diệc, vạc, cồng cộc đen, hồng hạc… ở các bụi lau hoặc chỗ rừng tràm ít người qua lại và khu quan trọng nhất là đảo thuần dưỡng chim. Đến làng nổi Tân Lập, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đồng quê, dân giã như bông súng, bông điên điển, lục bình xào…
Ngoài ra, cá linh và cá lóc đồng tuy là những loài cá phổ biến nhưng trong làng nổi có vị thơm ngon khác, ở đây họ không cần cho cá ăn, thậm chí không mất nhiều công để bắt do chúng quá nhiều, môi trường trong sạch chính là điều kiện thuận lợi cho các loài sinh sôi. Các món ăn khác cũng rất hấp dẫn như lẩu mắm, cá kho tộ, lươn xào sả ớt, gà nướng miền Tây… các món ăn chỉ dao động 50.000-150.000 đồng.
Vào mùa khô, lá tràm và các loại dây leo rụng, mỗi bước chân du khách đều kèm theo tiếng sộp soạp giòn tan của lá khô. Đặc biệt, cung đường tình yêu trong làng nổi là khu khá xa trung tâm, yên ắng, tiếng lá khô giòn giòn sẽ tạo thêm sự lãng mạn, cổ tích đối với những cặp đôi đang cùng nhau khám phá làng nổi.
Dịch vụ ăn ngủ trong làng nổi khá tiện lợi. Tại khu villa ngôi nhà 10 tầng, tiện nghi, sang trọng để khách ngủ nghỉ qua đêm, dịch vụ ăn uống được nhân viên làng nổi phục vụ mọi lúc, mọi nơi, tận tình, giá cả hợp lý. Đứng trên tòa nhà, buông mắt về bốn hướng, du khách sẽ thấy hun hút thảm xanh rừng tràm, điều kỳ vĩ đến từ thiên nhiên. Vé tham quan vào cửa làng nổi Tân Lập chỉ 60.000 đồng một vé.
Chị Nguyễn Thùy Linh, một khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ: “Làng nổi Tân Lập là một địa điểm lý thú dành cho giới trẻ thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ, dung dị của miền Tây. Là nơi thích hợp cho những chuyến nghỉ dưỡng về thiên nhiên mà không phải là các resort cao cấp, giá cả hợp lý và không gian yên bình, ẩm thực đồng quê là điểm nhấn thu hút mỗi du khách đặt chân đến làng nổi Tân Lập”.