Người cùng chí hướng
Thủ tướng Merkel là người ủng hộ nhiệt thành mối quan hệ EU - Trung Quốc trong suốt 16 năm qua, một mối quan hệ chú trọng đến thương mại. Trong bối cảnh bà Merkel sắp rời chính trường, tâm lý phản đối Trung Quốc đang lan tràn khắp châu lục khi các chính trị gia, giới truyền thông gây áp lực buộc Chính phủ Đức phải có lập trường cứng rắn hơn đối với hành vi mà họ xem là vi phạm nhân quyền và gian lận kinh tế.
Bắc Kinh hy vọng người thay thế bà Merkel sẽ là một nhà lãnh đạo duy trì nguyên trạng. Viễn cảnh này có thể có 2 kịch bản nhưng đều đi kèm với những khó khăn. Đầu tiên là ứng cử viên Armin Laschet của đảng Liên minh dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU), người theo đuổi chiến lược đối với Trung Quốc tương tự như chiến lược của bà Merkel, bất chấp sự phản đối trong đảng này. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ dành cho CDU trong các cuộc thăm dò đã giảm xuống còn 26%, trong khi đó tỷ lệ dành cho đảng Xanh tăng lên thành 21% sau trận lũ lụt gây hậu quả thảm khốc ở miền Tây nước Đức khiến 164 người thiệt mạng, hơn 100 người mất tích. Theo một thăm dò của Viện Nghiên cứu Forsa, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Laschet đã giảm xuống còn 17%. Có khả năng đảng Xanh, vốn ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong liên minh tiếp theo do ông Laschet dẫn đầu.
Nhưng ngay cả khi đó, ông Laschet cũng phải mất một thời gian mới có thể nắm chắc quyền lực mà bà Merkel để lại tại EU. Jonathan Hackenbroich, nhà nghiên cứu chính sách về quản lý nhà nước tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho biết: “Ông Laschet thực sự là một chính trị gia có tài hơn mọi người nghĩ. Và ông giống bà Merkel ở điểm có khả năng trấn tĩnh lại và cuối cùng giành chiến thắng. Thế nhưng, ông Laschet không biết và không giao thiệp với tất cả những người đứng đầu chính phủ này”.
Thách thức
Trung Quốc cũng muốn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp nhận vai trò quan trọng của bà Merkel trên chính trường châu Âu, sau đó giành chiến thắng trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống Pháp năm 2022. Ông Macron là người ủng hộ khái niệm EU phải “tự chủ chiến lược”, một thực tế mà Mỹ luôn hoài nghi, còn Trung Quốc luôn ủng hộ.
Theo Jiang Shixue, giáo sư về quan hệ EU - Trung Quốc tại Đại học Thượng Hải, có 2 điều kiện thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa hai bên: Phải là bên tham gia chính trong các vấn đề châu Âu, và có thái độ đúng đắn với Trung Quốc. Bà Merkel và ông Macron đáp ứng được cả hai điều kiện này. Đức và Pháp sẽ luôn là những nước lớn trong EU. Vì vậy, chúng ta hãy hy vọng rằng các nhà lãnh đạo tương lai của hai nước này sẽ duy trì thái độ đúng đắn hoặc thân thiện với Trung Quốc. Trong khi đó, Andrew Small, chuyên gia thuộc Chương trình châu Á của Quỹ Marshall, có trụ sở tại Mỹ, nhận định: “Rõ ràng là bà Merkel đang từng bước chuyển giao công việc cho ông Macron”.
Tuy nhiên, cuộc khẩu chiến giữa các đại sứ Pháp và Nga tại Bắc Kinh mới đây là một lời nhắc nhở rằng Chính phủ Pháp có thể chú trọng vấn đề nhân quyền hơn những người đồng cấp ở Đức và điều đó sẽ là một trở ngại trong việc duy trì quan hệ thân thiện với Trung Quốc. Nhiều chính trị gia cho rằng với sự ra đi của bà Merkel, một người nổi tiếng nhạy bén sắc sảo và giỏi tạo quan hệ, hai ông Macron và Laschet sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc thiết lập quan hệ với Trung Quốc trong tương lai.
Frans-Paul van der Putten, điều phối viên thuộc Trung tâm Trung Quốc, Viện Clingendael (Hà Lan), nhận định: “Ông Laschet muốn duy trì chính sách Trung Quốc giống như bà Merkel nhưng điều đó không dễ. Bà Merkel, nhờ quyền lực của mình và sự hợp tác với ông Macron, đã có thể chống đỡ với các áp lực. Nhưng tôi nghĩ sau thời của bà Merkel, việc xoay xở trước những áp lực như vậy sẽ khó khăn hơn nhiều”.