Giới kinh doanh ở Trung Quốc thường truyền tai nhau câu “Quan trọng không phải bạn biết gì, mà bạn biết ai”. Việc thiết lập quan hệ trong hoạt động kinh doanh đã được nâng lên tầm nghệ thuật, với tên gọi “guanxi”, dịch nôm na là “nghệ thuật tạo quan hệ trong kinh doanh”. Liệu có sự phân biệt giữa những mối quan hệ với tham nhũng hay không?
Dưới nỗ lực chống tham nhũng của các lãnh đạo mới ở Trung Quốc, nhiều công ty và quan chức đã bị “ngã ngựa”. Đầu mùa hè này, các nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành điều tra Công ty dược GSK có trụ sở ở Anh và những công ty dược phương Tây khác như Eli Lilly, Sanofi, Novartis với cáo buộc đã hối lộ bác sĩ để kê đơn thuốc của hãng.
Mới đây, việc tuyển nhân sự của JP Morgan ở Trung Quốc cũng bị chính phủ Hoa Kỳ điều tra, với cáo buộc ngân hàng này đã cố ý thuê mướn con cái của các quan chức cấp cao Trung Quốc, được gọi là những “hoàng tử, công chúa”, để thiết lập quan hệ nhanh chóng với các giới chức. Khoảng 200 vụ tuyển người như vậy đang bị Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) điều tra, trong đó có việc thuê con gái của Zhang Shugang, một quan chức đầy quyền lực ở Bộ Đường sắt, người cũng đang bị chính quyền Bắc Kinh điều tra tham nhũng.
Gần đây, các nhà lãnh đạo mới Trung Quốc đã sa thải người có chức vụ cao nhất kể từ khi họ lên cầm quyền: ông Jiang Jiemin, người đứng đầu Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản nhà nước (SASAC) - tương đương cấp bộ trưởng.
Bắc Kinh vừa ra quy định cấm dùng tiền công để mua bánh Trung thu trang trí |
Nhìn lại, với những công ty kinh doanh ở Trung Quốc trong những năm 1990 khi nước này vừa mới mở của thị trường tiêu dùng, có mối quan hệ tốt với chính phủ Trung Quốc sẽ tạo điều kiện kinh doanh trong một môi trường nơi doanh nghiệp nhà nước chi phối.
Cùng với việc thị trường được mở cửa nhiều hơn, tầm quan trọng của mối quan hệ đó có thể giảm bớt, nhưng vẫn là một phần thiết yếu cho hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc cũng như một số nơi khác. Gia đình trị và việc thuê người thân thuộc không phải chưa từng thấy ở các công ty tại phương Tây.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Đại Liên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trấn an các doanh nghiệp nước ngoài rằng việc điều tra vừa qua nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho họ so với các doanh nghiệp nhà nước.
Tình trạng thiếu bình đẳng là nguồn gốc của hầu hết khiếu nại trong 1 thập niên qua, kể từ khi Trung Quốc đồng ý để các công ty đa quốc gia tiếp cận thị trường nhiều hơn sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001.
Vì vậy, cải thiện hiệu quả của pháp luật và dẹp bỏ tham nhũng dường như được đề cao trong chương trình nghị sự của chính phủ mới. Nhưng, nhiều người vẫn ngờ vực liệu việc thực thi pháp luật chống tham nhũng là một nỗ lực nghiêm túc hay chỉ làm cho ra vẻ.
Một vấn đề quan trọng là cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa có một hệ thống Tư pháp độc lập. Các tòa án đều là những công cụ của chính phủ mà cơ quan điều khiển cao nhất chính là Đảng Cộng sản. Bài kiểm tra thực tế đối với sức mạnh của luật pháp hiện nay không phải là việc xét xử ông Bạc Hy Lai, mà có lẽ là khi một công dân bình thường muốn thực thi pháp luật chống một quan chức cấp cao tham nhũng.
Nếu một vụ kiện như vậy thành công, dù có thể vi phạm lợi ích của đảng cầm quyền, đó mới là dấu chỉ đáng tin cậy cho thấy nỗ lực chống tham nhũng hiện nay là thật và hệ thống pháp luật thực sự hiệu quả.