Trao đổi bên hành lang Quốc hội về quản lý hoạt động xây dựng, phần lớn đại biểu cho rằng, vấn đề đầu tư xây dựng đã được quy định ở rất nhiều luật nhưng trong quá trình thực thi thì mục công khai chưa được quan tâm đúng mức và không được thực hiện. Mặc dù đã có quy định về vai trò giám sát của người dân, của các cơ quan báo chí truyền thông nhưng nếu cơ chế công khai không được thực thi thì quá trình giám sát sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn, nhiều dự án đầu tư xây dựng đã có sự giám sát của Hội đồng nhân dân và công khai quy hoạch, vị trí, địa điểm đầu tư, tuy nhiên trên thực tế những thông tin về tiến độ triển khai dự án theo từng năm lại chưa được công bố rõ ràng.
“Một số dự án chúng ta thấy rằng, họ có thể thay đổi về tổng vốn đầu tư hay tiến độ đầu tư… những vấn đề này thì khó có thể giám sát theo kênh truyền thống. Theo tôi, nếu chúng ta công khai minh bạch tiến độ, quy mô dự án cũng như quá trình triển khai có thay đổi thì sự giám sát của người dân cũng như cơ quan chức năng sẽ rõ ràng cụ thể và chặt chẽ hơn”, ông Trần Anh Tuấn nói.
Trên thực tế đã có các doanh nghiệp được lãnh đạo địa phương mời gọi đầu tư, sau khi đi tham quan quy hoạch một số vùng thì rất phấn khởi, muốn đầu tư; nhưng xem trong hồ sơ thì các khu đất quy hoạch vừa xem đều đã có chủ.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Hà Nội nêu ý kiến: “Theo tôi, những vấn đề này phải hiệu quả hơn ở chỗ người đứng đầu, phụ trách công trình dự án phải có trách nhiệm lấy ý kiến sâu sát chứ không phải dựa vào hình thức lại nói làm rồi. Công trình cấp tỉnh thì cũng phải thông tin đến đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở các tỉnh đó để biết và giám, chứ các đại biểu Quốc hội còn không biết, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng không biết thì không thể giám sát. Vì vậy cần mở rộng những thành phần như vậy để gửi tài liệu đến các vị đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thì mới biết được hiện nay trên địa bàn của tỉnh, địa phương mình đang có những công trình gì mà chủ đầu tư xin ý kiến và phải cho ý kiến vào dự án đó, có như vậy mới giảm bớt đi những khuất tất”.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch treo gây lãng phí, thất thoát ngân sách và nguồn lực của Nhà nước, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đ'ồng Tháp đề nghị: “Thời gian qua, Quốc hội đã giám sát trong lĩnh vực này và cũng đã chỉ ra những hạn chế tồn tại và các dự án đầu tư không hiệu quả gây ảnh hưởng đến người dân và thất thoát ngân sách nhà nước. Quy hoạch để kéo dài thì phải có trách nhiệm để bồi hoàn thiệt hại cho người dân khi những mảnh đất đó người dân không sản xuất, không xây dựng được hoặc không được sử dụng thì chủ đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm”.