Quản lý thị trường vàng còn lỏng lẻo

(ĐTTCO) - Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã có hiệu lực nhiều năm qua, nhưng việc quản lý thị trường vàng trang sức mỹ nghệ vẫn phát hiện hàng trăm vụ sai phạm. Bộ Khoa học - Công Nghệ (KH-CN) kiến nghị cần sửa Nghị định về quản lý thị trường vàng để kiểm soát chặt hơn chất lượng, tránh những gian lận trong việc mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

(ĐTTCO) - Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã có hiệu lực nhiều năm qua, nhưng việc quản lý thị trường vàng trang sức mỹ nghệ vẫn phát hiện hàng trăm vụ sai phạm. Bộ Khoa học - Công Nghệ (KH-CN) kiến nghị cần sửa Nghị định về quản lý thị trường vàng để kiểm soát chặt hơn chất lượng, tránh những gian lận trong việc mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Nhiều sai phạm

Tính đến đầu tháng 9-2016, sở KH-CN 43 tỉnh, thành đã thanh tra gần 1.286 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở vi phạm với số tiền 2,16 tỷ đồng. Tổng số lượt hành vi vi phạm là 517, trong đó chủ yếu vi phạm nhãn hàng hóa không đạt (305 lượt - chiếm 59%); sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu là (78 lượt - 15%); khối lượng hàng hóa không đạt (10 lượt - 2%); không công bố tiêu chuẩn áp dụng (73 lượt - 14%); hàng hóa không đạt chất lượng (13 lượt - 2,5%); vi phạm khác (38 lượt - 7,4%).

Trong báo cáo đến Văn phòng Chính phủ về công tác quản lý thị trường vàng, Bộ KH-CN cho biết trong 2 năm 2015-2016, bộ đã tiến hành kiểm tra hàng loạt cơ sở mua bán vàng trang sức mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và phát hiện hơn 600 đơn vị vi phạm. Cụ thể, năm 2015 có 432 cơ sở kinh doanh mua bán vàng vi phạm ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, sử dụng cân không kiểm định, cân không đạt yêu cầu về đo lường, cân không phù hợp về phạm vi đo, hàm lượng vàng không đạt theo công bố. Cơ quan chức năng đã xử lý hơn 4.000 mẫu vàng trang sức, mỹ nghệ vi phạm, trong đó tạm dừng lưu thông 2.886 mẫu và xử phạt hành chính 63/432 cơ sở vi phạm. Như vậy dù Nghị định 24/2012/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ tháng 5-2012, nhưng đến nay trường hợp vi phạm về hoạt động kinh doanh vàng vẫn còn khá nhiều.

Hiện nay tình trạng vàng trôi nổi trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, vàng lậu vẫn còn rất lớn, phần lớn là vàng trắng có hàm lượng 750 (vàng Italia). Đó là chưa kể tình trạng rất nhiều doanh nghiệp không ghi rõ nhãn mác hay mua bán không có hóa đơn chứng từ. Do đó phần thiệt vẫn thuộc về khách hàng. Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM (SJA), phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn TP vẫn mua bán theo chứng từ hóa đơn của họ tự in để lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp mua bán vàng là các doanh nghiệp nhỏ rất ít quan tâm đến tính pháp lý liên quan đến ngành vàng.

Ảnh minh họa: LONG THANH
Ảnh minh họa: LONG THANH

Chưa quản lý phần gốc

Chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng Ngọc Toàn (Đồng Nai) đặt vấn đề: Nếu đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra tại một đơn vị mua bán vàng và phát hiện sai phạm trong chất lượng đo lường sản phẩm, đơn vị đó sẽ bị phạt. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ bán vàng trang sức, mỹ nghệ nhận từ nhà cung cấp là những cơ sở sản xuất, chế tác được NHNN cho phép và chất lượng hàng hóa do các cơ sở này tự quyết định. Vậy tại sao chỉ có đơn vị bán hàng mới bị xử phạt theo quy định? Đây là vướng mắc rất lớn cần phải được tháo gỡ và làm rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp.

Trước câu hỏi này, chính các đơn vị chức năng liên quan cũng thừa nhận việc xử phạt có phần “oan” cho đơn vị bán hàng, tuy nhiên theo quy định, đơn vị bán hàng phải chịu trách nhiệm chất lượng hàng hóa trước tiên. Theo đó, cửa hàng kinh doanh có thể dựa trên các hợp đồng, giấy tờ cam kết để thỏa thuận đòi bồi thường hoặc thậm chí khởi kiện nhà cung cấp. Tương tự, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ như hiện nay mới chỉ quản lý được phần ngọn mà không quản lý được phần gốc.

Chẳng hạn như theo quy định hiện hành, việc sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ không được kiểm soát về chất lượng, đặt biệt là doanh nghiệp, cá nhân được nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ qua cửa khẩu không cần kiểm soát chất lượng và chỉ nộp thuế theo quy định là đủ. Theo đó để giảm bớt các vụ vi phạm về kinh doanh vàng, Bộ KH-CN vừa kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó quy định quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu để kiểm soát chặt hơn chất lượng, tránh những gian lận trong việc mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Một vấn đề khác, Theo Thông tư 22/2013 của Bộ KH-CN về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ, số vàng cũ tồn kho không đạt chuẩn theo quy định hiện nay còn khá lớn. Có doanh nghiệp vàng tồn kho trước khi Thông tư 22 có hiệu lực lên đến 50%, vậy phải xử lý như thế nào? Đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) còn cho biết khó khăn hiện nay là việc mở rộng mạng lưới và thay đổi địa điểm kinh doanh. Được biết đơn vị này đã nhiều lần có hồ sơ để mở rộng thêm mạng lưới kinh doanh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tương tự các doanh nghiệp khác như DOJI, SJC cũng đang trong tình trạng chờ xin mở rộng mạng lưới.

Một trong những bất cập được các cơ sở kinh doanh vàng nữ trang kiến nghị là quy định phải dùng cân điện tử loại 200g, trong khi nhiều tiệm vàng đang sử dụng cân loại 300g, 500g trở lên. Nếu bỏ đi để đầu tư cân mới theo quy định sẽ tốn thêm hàng chục triệu đồng. Hay ngay cả việc ghi tem, nhãn theo quy định hiện hành cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Rõ ràng, dù Nghị định 24 đã có hiệu lực gần 4 năm qua nhưng các vướng mắc trong thực tế thực hiện vẫn còn khá nhiều.

Các tin khác