Ông Hùng cho biết thêm, UBND tỉnh cũng báo cáo, đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương tiếp tục gia hạn thời gian hoạt động của Ban Quản lý Dự án QBSC để phục vụ công tác thanh tra, quyết toán dự án.
Từ năm 2012, dự án điện năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới ở tỉnh Quảng Bình được triển khai qua Hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc. Dự án có tổng vốn 12 triệu USD, Việt Nam đối ứng 1,7 triệu USD.
Đây được xem là dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó. Khu vực triển khai dự án trải rộng trên địa bàn 8 xã của 4 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa với gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công.
Xuất phát từ quy mô và tầm quan trọng của dự án, năm 2012, tỉnh Quảng Bình thành lập Ban quản lý Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời (QBSC), trực thuộc UBND tỉnh. Dự án được tư vấn bởi đơn vị Dohwa và nhà thầu KT Corpotation của Hàn Quốc trúng thầu xây dựng. Đến cuối năm 2019, dự án được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hệ thống điện triệu đô này vừa dùng được 2 tháng thì đã hỏng nhiều nơi ở Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa (Báo SGGP đã phản ánh).
Từ đó đến nay, nhiều khu vực không được sửa chữa khiến người dân không có điện để dùng. Cùng đó là hệ thống này không thể quyết toán được dẫn đến tài sản đầu tư xuống cấp, không thể sửa chữa.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ban quản lý dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời Quảng Bình (QBSC) cho hay; hiện có nhiều trạm điện mặt trời hư hỏng, không thể phát điện. UBND tỉnh đã giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương thống kê các điểm hư hỏng, có phương án khắc phục, thay thế bằng các linh kiện dự phòng. Tuy nhiên, do dự án chưa thể quyết toán nên không có kinh phí để sửa chữa cho người dân.
Nguyên nhân khó quyết toán theo QBSC do thiếu một số văn bản của sở chuyên ngành. UBND tỉnh Quảng Bình đã tham khảo các ngành trong tỉnh nhưng không có giải pháp, nên sau nhiều năm mới giao Thanh tra tỉnh thanh tra đầy đủ mới có thể quyết toán dự án.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu từ nhiều năm qua của PV Báo SGGP, khi dự án tổ chức nghiệm thu bàn giao, trong quá trình kiểm tra, thiết bị dự án bị xuống cấp, hỏng hóc sau 2 tháng sử dụng, lãnh đạo Sở Công Thương đã không ký vào một số văn bản của dự án. Dẫn đến, khi làm các thủ tục quyết toán, phát hiện thiếu những văn bản quan trọng chuyên ngành của Sở Công thương bị thiếu. UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Công Thương bổ sung nhưng sở này không có văn bản liên quan.
Ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Không có cơ quan nào ký văn bản chuyên ngành, không đóng được dự án QBSC, không ai chịu trách nhiệm nên phải giao Thanh tra tỉnh vào cuộc”.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương cho biết: "Thời điểm 2019 tôi chưa về làm giám đốc Sở, khi nhận nhiệm vụ, tôi hỏi các đầu mối chuyên môn thì dự án QBSC không trình bất cứ văn bản nào về đề nghị chấp thuận kết quả nghiệm thu nên Sở Công thương không thể ra quyết định chuyên môn".
Bí thư Chi bộ bản Ho Rum (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy), ông Hồ Duy Vàng, cho biết: “Bản có 65 bộ pin mặt trời dùng cho 91 hộ dân trong bản, điện chỉ có được 2 tháng là mất từ 2019 đến nay. Nhà văn hóa thôn có một cụm điện pin mặt trời riêng, chưa sử dựng được lần nào cũng đã mất điện. Số tiền đầu tư điện mặt trời rất lớn, mỗi hộ dân tính ra là 250 triệu đồng, cụm pin mặt trời ở nhà văn hóa bản hơn 1 tỷ đồng, nhưng mất điện triền miên nên bà con dân bản rất chán”.