Từ trung tâm xã Trà Tây (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) muốn vào thôn Tre đều phải di chuyển trên con đường đất đá lởm chởm, dốc cao dựng đứng. Mùa nắng, người dân di chuyển bằng xe máy nhưng vào mùa mưa, đường lầy lội bùn đất, thường xuyên sạt lở, cô lập thôn Tre với bên ngoài.
Thôn Tre có 7 tổ nằm rải rác, tuyến đường di chuyển đến các thôn phải đến 14km. Gần nhất từ đường tỉnh ĐT622 - tuyến huyết mạch huyện Trà Bồng, vào tổ 1, 2, 3 của thôn Tre là khoảng 3km. Tuy nhiên, việc di chuyển bằng xe máy cũng hơn nửa tiếng vì đường đi rất khó khăn. Những đoạn đường bị sạt lở chưa được khắc phục, một bên hố sâu, một bên là đường rừng lầy lội.
Anh Hồ Văn Khóa (thôn Tre) cho biết: “Những chiếc xe máy đi vào thôn dù mua mới hay cũ chỉ sau 1-2 năm là hư hỏng, kính gương, vỏ xe đều hỏng hóc”.
Khó khăn nhất là những lúc người dân trong thôn ốm đau, bệnh tật. Chị Hồ Thị Trinh (thôn Tre) kể: “Hồi tháng 2, tôi bị đau dạ dày, kêu chồng chở đi bằng xe máy cũng đi toàn đường đất đá lởm chởm. Xuống đến Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng thì bác sĩ yêu cầu chuyển xuống tuyến tỉnh. Do điều kiện khó khăn nên hai vợ chồng tiếp tục đi xe máy xuống tỉnh. Vừa đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bị loét dạ dày. Sau 5 ngày ở bệnh viện, vợ chồng tiếp tục đèo nhau bằng xe máy về”.
Trường hợp ốm đau xảy ra trong đêm, người dân phải khiêng võng vượt qua cả tuyến đường đất để ra đến tỉnh lộ đi cấp cứu. Anh Hồ Văn Vương, Trưởng thôn Tre, cho biết: “Lúc người dân đau ốm, gọi xe cấp cứu thì xe cấp cứu không thể vào thôn, người thân, hàng xóm hô hào kêu người khiêng võng, đầu đội đèn pin cứ thế đi suốt 1 tiếng liền”.
Anh Vương cho biết thêm: “Mưa lũ năm 2022 gây sạt lở đường, cô lập thôn Tre với bên ngoài. Đến qua tết năm 2023 mới cơ bản khắc phục. Mọi hoạt động giao thông với bên ngoài của người dân nơi đây đều phụ thuộc vào tuyến đường huyết mạch này. Mới đây, thôn Tre có thông tin về việc đầu tư tuyến đường bê tông để phục vụ đi lại cho người dân, tuy nhiên tuyến đường này dự kiến 2 năm nữa mới xong”.
Thôn Tre có 220 hộ, 992 nhân khẩu sinh sống trong 7 tổ dân cư. Kể từ khi di dời đến khu ở mới vào năm 2011 cho đến nay, người dân thôn Tre không chỉ khó khăn trong đi lại mà còn thiếu thốn tứ bề. Trưởng thôn Tre, nói: “Người dân rất khó khăn, xung quanh núi cao, rừng phòng hộ lớn, ruộng lúa nước thì không có nước tưới, lúa rẫy cũng ít, trồng quế, trồng keo cũng chỉ vài năm nay nên chưa có nguồn thu nhập”.
Người dân lắp ống dẫn nước từ suối về làng nhưng vào mùa nắng nóng, nguồn nước cạn kiệt, không có nước để dùng. Anh Vương cho biết: “Toàn bộ thôn Tre đều không có giếng đào hay giếng khoan. Xung quanh núi cao, rừng sâu, chi phí đào, khoan giếng rất tốn kém, chưa kể khoan xong không có nước, người dân không có tiền chi trả. Một số khu tái định cư được nhà nước hỗ trợ làm đập ngăn dòng để trữ nước nhưng cũng cạn kiệt vào mùa nắng nóng”.
Anh Hồ Văn Dế, cho biết: “Tôi trồng 1.000 cây quế được 3 năm tuổi, phải chờ vài năm nữa mới bắt đầu thu hoạch”.
Tại thôn Tre có 3 điểm trường mầm non và 2 điểm trường tiểu học, cô giáo Hồ Thị Thúy, giáo viên điểm thôn Tre thuộc tổ 2, Trường Mầm non số 1 Trà Tây, cho biết: “Lớp có 22 em, trẻ em mầm non rất cần nước để sinh hoạt nhưng mùa nắng ở đây thiếu nước. Tôi phải đi xin nước của người dân, dân có thì mình xài, dân thiếu thì mình cũng thiếu”.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng người dân rất có ý chí vươn lên. Nhiều người xuống đồng bằng đến khu công nghiệp để làm công nhân, đến tháng 9, tháng 10 hàng năm, người dân đi vào Tây Nguyên để làm thuê các rẫy cà phê.
Anh Vương cho biết: “Ở thôn Tre vừa có người Cor vừa có người H’rê, người dân học hỏi lẫn nhau, người H’rê và người Cor cùng nuôi dê. Dựa vào rừng núi để nuôi dê, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có. Đến nay thôn Tre có khoảng 200 con dê của trên 10 hộ nuôi, nhiều hộ dân khác cũng chăn nuôi trâu, bò và làm rẫy”. Anh Vương cũng nuôi 5 con bò, trồng 3.000 cây keo và 2.000 cây quế.
Anh nói: “Hiện toàn thôn Tre vẫn còn 152 hộ nghèo, 20 hộ cận nghèo, còn lại hộ thoát nghèo. Người dân đang rất cố gắng để lo con cái đi học đầy đủ hơn. Thôn mong các cấp quan tâm để người dân ổn định cuộc sống sau tái định cư”.