Quay cuồng giá vaccine Covid-19

(ĐTTCO) - Sự khan hiếm vaccine Covid-19 trên thế giới có thể khiến ít người để ý đến giá của nó. Tuy nhiên, Liên minh Vaccine đã ra thông báo, cáo buộc các nhà sản xuất giữ độc quyền, đẩy giá bán lên gấp 5 lần so với giá sản xuất để hưởng lợi. Thực hư của câu chuyện này như thế nào?

Đại dịch Covid-19 đã đẩy hàng chục nghìn doanh nghiệp, hàng trăm triệu người lao động lâm vào cảnh khốn khó, nhưng lại tạo cơ hội lớn cho không ít doanh nghiệp, trong có các nhà sản xuất vaccine. Quy luật “trong nguy có cơ” lại được chứng minh trong tình huống này. Để khống chế đại dịch, cần phải có vaccine, nên sản xuất vaccine trở thành vấn đề cực kỳ quan trọng trên toàn cầu.

Độc quyền tạo ra đắt đỏ và khan hiếm?

Vì thế, Chính phủ một số nước cùng các tập đoàn dược phẩm lớn đã dốc sức để sản xuất vaccine. Cuối tháng 2-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn lo ngại cho việc tìm kiếm một loại vaccine phòng chống Sars-Cov-2 trong vòng 18 tháng. Nhưng chỉ 8 tháng sau, đã có hơn 320 ứng viên tham gia vào cuộc đua nghiên cứu và thử nghiệm vaccine Covid-19.

Và đến tháng 11-2020, 56 loại vaccine đã bước vào quá trình nghiên cứu lâm sàng như: vaccine của AstraZeneca (Anh), vaccine của Pfizer, BioNTech (Đức, Mỹ), vaccine của Viện nghiên cứu Gamaleya (Nga), vaccine của Moderna, Johnson & Johnson (Mỹ), vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) và Nanogen của Việt Nam…

Nhưng rốt cuộc đến nay, cũng chỉ rất ít vaccine, trong số đó, được các nước chấp nhận trong tình trạng khẩn cấp, để đưa vào sản xuất tiêm phòng cho người dân.

Quay cuồng giá vaccine Covid-19 ảnh 1
Nhưng đó không phải là lý do nguồn cung khan hiếm. Liên minh Vaccine cho tất cả mọi người cho rằng, sở dĩ bây giờ chưa đủ vaccine tiêm cho mọi người, là do các hãng dược lớn muốn giữ độc quyền để thu lợi riêng. Nếu họ chịu chuyển giao công nghệ, thì chi phí tiêm vaccine ngừa Covid-19 có thể giảm xuống ít nhất 5 lần.

Điều tệ hại nữa là, giá vaccine lại luôn luôn nhảy múa theo hướng gia tăng, mặc cho đại dịch tấn công những con người nghèo khổ.

Theo WHO, trước đại dịch, các nước đang phát triển trả mức giá trung bình là 0,80 đôla một liều cho tất cả các loại vaccine, trừ vaccine Covid-19. Tuy khác loại nhau và có thể không so sánh trực tiếp được với nhau, nhưng loại vaccine Covid-19 rẻ nhất trên thị trường như của Oxford/AstraZeneca, cũng có giá gần gấp 4 lần giá mức giá trung bình.

Còn vaccine Johnson and Johnson là 13 lần; và các loại vaccine đắt tiền nhất như Pfizer/BioNTech, Moderna của Mỹ và Sinopharm của Trung Quốc còn cao hơn tới 50 lần.

Giá vaccine mRNA và cái vé du lịch sao hỏa

Tình trạng độc quyền đã đẻ ra cái giá đó, Liên minh của gần 70 tổ chức, bao gồm Liên minh châu Phi, Oxfam và UNAIDS  khẳng định như vậy. Tuy nhiên, một số nước giàu có lại không ủng hộ việc dỡ bỏ độc quyền và giảm giá vaccine, nên càng góp phần trực tiếp vào tình trạng khan hiếm vaccine ở các quốc gia nghèo hơn.

Bởi, rất đơn giản là tất cả các loại vaccine cũ hay mới, muốn giảm giá chỉ khi có nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường… 

Muốn có cạnh tranh thì đương nhiên phải dỡ bỏ tình trạng độc quyền đối với việc sản xuất vaccine. Đối với đại dịch Covid-19 đang xảy ra thì vaccine luôn được xem là vũ khí lợi hại để giảm số ca tử vong và mắc Covid-19.

Vì thế, để có nhiều vaccine tiêm cho mọi người dân phải được xem là quan trọng nhất. Ý tưởng chống độc quyền mang tính nhân đạo trong sản xuất vaccine rất đáng được quan tâm và ủng hộ.

Và đương nhiên, các chuyên gia kinh tế đều thấy rằng, để đảm bảo cho vaccine Covid-19 đủ điều kiện tiêm cho con người phải tốn kém rất nhiều thứ như: chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), thử nghiệm lâm sàng, phân phối, sở hữu trí tuệ và chi phí pháp lý, nguyên vật liệu, sản xuất, bảo quản và thực hành tiêm chủng vaccine…

Trong đó, chi cho nghiên cứu là rất lớn.  Đó cũng là bài toán cần cân bằng khi đưa ra yếu tố chống độc quyền trong sản xuất vaccine.

Sự kiện mới đây, Công ty Arcturus Therapeutics (Mỹ) là đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine phòng Covid-19 theo công nghệ mRNA đã đồng ý  cấp giấy phép độc quyền cho Công ty CP công nghệ sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup - Việt Nam) để tiến hành sản xuất vaccine phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154, rất đáng được hoan nghênh.

Tất nhiên, bất kỳ một việc chuyển giao nào cũng cần theo hướng: vừa đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư vừa thúc đẩy khoa học phát triển để phục vụ con người.

Đúng như người nào đó từng ví von, vaccine được chấp nhận với một giá nào đó cũng quan trọng như cái vé du lịch sao hỏa của người phát minh ra công nghệ sản xuất vaccine.

Hãng Pfizer/BioNTEch đang bán cho Liên minh châu Phi với giá 6,75 USD và giá một liều vaccine-  ngang với số tiền chi tiêu y tế của Uganda cho mỗi người dân trong vòng 1 năm. Mức giá này cao gấp 6 lần chi phí sản xuất dự tính cho loại vaccine này.
Mức giá cao nhất nhất được trả cho một liều vaccine Pfizer/BioNTech là 28 USD, giá này do Israel chi trả. Israel đã trả cao hơn gần 24 lần chi phí sản xuất dự tính.
Liên minh châu Âu có thể đã thanh toán quá mức cho 1,96 tỷ liều vaccine Moderna và Pfizer/BioNTech với số tiền lên tới 31 tỷ Euro
Đối với Moderna, theo tính toán của Liên minh thì Hãng này đã đưa ra mức giá cao gấp 4 đến 13 lần mức chi phí sản xuất cho các quốc gia khác. Nhưng với Nam Phi, Hãng này đã đưa ra mức giá 30 đến 42 USD một liều, cao gấp 15 lần so với chi phí sản xuất dự tính.

Các tin khác