Quốc Cường Gia Lai phải hoàn trả hơn 2.800 tỷ đồng nhận từ bà Trương Mỹ Lan

(ĐTTCO) - Chiều 11-4, TAND TPHCM bắt đầu tuyên án với bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và 85 bị cáo trong vụ án.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, xử lý tài sản kê biên phong tỏa trong vụ án, HĐXX tuyên buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi hoàn toàn bộ thiệt hại đối với 1.243 khoản vay còn dư nợ tại SCB, khấu trừ đi số tiền các bị cáo đã nộp lại, buộc bị cáo bồi hoàn số tiền hơn 673.000 tỷ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 11-4. Ảnh: CAO THĂNG

Đáng chú ý, để thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước, HĐXX tuyên tiếp tục tạm giữ số tiền hơn 116 tỷ đồng mà ông Tạ Hùng Quốc Việt và gia đình tự nguyện nộp lại; 190.000 USD của ông Trần Văn Hùng nộp lại để đảm bảo nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án; 50 tỷ đồng của ông Nguyễn Phú Tiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Nhựt Tân Long An nộp; hơn 414 tỷ đồng của CTCP Sài Gòn Kim Cương đã nộp.

Để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án, HĐXX buộc CTCP Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là hơn 2.800 tỷ đồng; buộc CTCP Địa ốc Hồng Phát phải nộp lại số tiền hơn 2.300 tỷ đồng; buộc Công ty Phú An, bà Phan Thị Phương Thảo nộp lại số tiền 145,2 tỷ đồng và 1.000 lượng vàng SJC; buộc bà Mai Ngọc Ngà nộp lại số tiền 19,3 tỷ đồng; buộc Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà hoàn trả số tiền 400 tỷ đồng; buộc CTCP T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc nộp lại số tiền hơn 6.000 tỷ đồng.

Các bị cáo tại tòa ngày 11-4. Ảnh: CAO THĂNG

Tiếp tục kê biên, tạm giữ đối với các bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các tài sản khác của công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu hoặc giao cho các cá nhân đứng tên hộ, của các bị cáo, những người liên quan khác để đảm bảo thi hành án.

Bên cạnh trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự các bị cáo phải chịu, HĐXX cũng kiến nghị nhiều nội dung đáng chú ý. Theo đó, kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp cũng như ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết các hoạt động hợp nhất, sáp nhập, tái cơ cấu, thanh tra và giám sát đối với các tổ chức tín dụng để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

Các bị cáo tại tòa ngày 11-4. Ảnh: CAO THĂNG

Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có quy định kiểm soát việc thành lập, quản lý doanh nghiệp để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội nhưng vẫn khuyến khích, tạo động lực để phát triển kinh tế như chủ trương của Chính phủ đề ra.

Kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán. HĐXX cũng đề nghị Cục C03 Bộ công an, VKSND tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2 tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán tại ngân hàng SCB, các kiểm toán viên có liên quan nếu đủ căn cứ thì đề nghị xem xét xử lý theo đúng quy định.

Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều kiện về tài sản đảm bảo tại tổ chức tín dụng để đảm bảo các khoản vay có khả năng thu hồi. Kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra các phương án, dự án chưa được xử lý trong vụ án này mà bị cáo Trương Mỹ Lan (hoặc cá nhân, tổ chức cho Trương Mỹ Lan sử dụng) hợp tác, giao kết, giao dịch để xác định đúng bản chất các giao dịch trên nhằm xác định tài sản và hành vi sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) để có căn cứ xem xét, thu hồi khi giải quyết vụ án trong giai đoạn 2 theo quy định.

Bên cạnh đó, HĐXX đề nghị Cục C03 Bộ công an, VKSND tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2 tiếp tục xác minh làm rõ đối với tài sản của 5 bị cáo truy nã có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan để có căn cứ xem xét giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.

Các tin khác