Quốc hội đã thúc đẩy giải quyết vụ sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất

(ĐTTCO)-Từ hành lang kỳ họp, chuyện sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất đã được xem xét giải quyết.
 
Quốc hội đã thúc đẩy giải quyết vụ sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre):

Trên bình diện chung, có thể nói đây là một kỳ họp khá thành công, mặc dù bên cạnh có một số vấn đề không giải quyết theo kế hoạch từ ban đầu, như là rút một số luật, nghị quyết ra khỏi kỳ họp. Hay có nhiều ĐB cho rằng, Luật Tố cáo cần thông qua tại 3 kỳ họp…

Nhưng có thể nói chúng ta cũng rất thành công. Một loạt luật được thông qua, 10 luật và Nghị quyết, đặc biệt là việc thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi; tạo cơ sở pháp lý cho phòng chống tội phạm; đồng thời đáp ứng yêu cầu không để một đạo luật quan trọng bị trì hoãn quá lâu.

Có thể nói, theo nhận định cá nhân tôi, kỳ họp này đã có những phiên chất vấn thành công nhất từ trước đến nay, thể hiện qua rất nhiều mặt: các ĐB có ý thức trách nhiệm trong việc chuẩn bị các vấn đề chất vấn; bản thân các ĐB cũng chất vấn với nhau để tìm giải pháp tốt cho các vấn đề. Chủ tọa đã điều hành nguyên tắc nhưng rất linh hoạt, tạo được không khí dân chủ, được cử tri đánh giá cao.

Một vấn đề nữa chúng ta có thể nhìn thấy là từ không khí hội trường, và những vấn đề được giải quyết ở… hành lang kỳ họp. Ví dụ như thông qua việc thảo luận về dự án sân bay Long Thành, thì Quốc hội cũng đã thúc đẩy giải quyết một việc rất quan trọng là sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất – một bức xúc mà giả sử nếu không có kỳ họp này thì rất khó đặt ra ở kỳ họp khác.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau): 

 Những vấn đề bức xúc được đưa vào nghị trường thảo luận nhiều hơn

Một điểm sáng trong kỳ họp lần này là việc tiếp tục cải tiến về phương pháp chất vấn, tranh luận tại hội trường. Chỉ có qua tranh luận, cọ xát mới bộc lộ hết các quan điểm, qua đó tiếp cận được chân lý.

Điểm khác biệt thứ hai là việc kéo dài thời gian thảo luận kinh tế xã hội tại hội trường thêm 1 tiếng 30 phút. Phiên chất vấn cũng được kéo dài từ 2,5 ngày lên 3 ngày. Như vậy, những vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm được đưa vào nghị trường thảo luận nhiều hơn.

Tuy nhiên, dù phiên chất vấn đã kéo dài tới 3 ngày nhưng tôi cảm giác các ĐBQH vẫn chưa thoả mãn. Cứ mỗi lần có thành viên Chính phủ đăng đàn, thì số lượng ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn rất nhiều, khác với kỳ họp trước. Phiên thảo luận về kinh tế xã hội cũng vậy, trong cùng một thời điểm có rất nhiều ĐB bấm nút, thậm chí, trong 1 phút có đến hàng trăm lượt bấm, thậm chí đã khiến hệ thống kỹ thuật bị trục trặc.

Điều này cho thấy ĐBQH rất muốn nói, rất muốn phát biểu, tranh luận, chất vấn về nhiều vấn đề xã hội quan tâm. Nói như vậy để thấy, xu hướng hoạt động của nghị trường bắt đầu sôi động hơn, không khí thảo luận, tranh luận sôi nổi hơn rất nhiều.

Đó là những mặt được, còn mặt chưa được là sự trùng lắp về thông tin. Ngay cả trong phiên họp về kinh tế xã hội và trong các phiên chất vấn.

Để khắc phục, theo tôi, UBTVQH nên nghiên cứu để tăng cường thảo luận ở đoàn, tổ. Bộ máy giúp việc của QH phải phân loại các ý kiến, đâu là ý kiến được đa số đại biểu thống nhất ở đoàn. Chỉ còn các ý kiến  khác nhau thì mới đưa ra hội trường. Không nhất thiết ĐB phải phát biểu theo thứ tự đăng ký mà Chủ toạ kỳ họp có thể nêu từng vấn đề để các ĐB tự do tranh luận, tránh sự trùng lắp về thông tin.

Các tin khác