Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn cần thiết

(ĐTTCO) - Quỹ bình ổn giá xăng dầu (QBOXD) ra đời nhằm mục đích khi giá xăng dầu tăng cao thì cơ quan điều hành sẽ trích quỹ để trợ giá. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ QBOXD.

Lấy tiền túi phải bù... túi trái

Theo quy định, QBOXD được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hạch toán riêng bằng một tài khoản mở tại ngân hàng nơi thương nhân đầu mối có giao dịch. Thương nhân đầu mối là chủ tài khoản, thực hiện các thủ tục liên quan để mở tài khoản, trích lập, thực hiện các nghiệp vụ thu, chi từ tài khoản QBOXD.

Về quy trình, doanh nghiệp có trách nhiệm hạch toán, chuyển đổi từ kỳ hạn này sang kỳ hạn khác đúng hạn, chịu hậu kiểm, giám sát từ cơ quan quản lý…

Khách đổ xăng tại cây xăng Petrolimex, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Theo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19, doanh nghiệp phải vay ngân hàng để kết chuyển đủ khi có quyết định chi từ liên bộ Công thương - Tài chính nhằm tránh nợ QBOXD. “QBOXD gửi tại ngân hàng, tiền lời nhập vốn.

Còn QBOXD âm thì doanh nghiệp phải tự lo vay tiền bù vào. Trong khi đó việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thời điểm dịch bệnh phải nhập dự trữ theo chỉ đạo ở mức giá cao, nhưng bán ra giá thấp, gây lỗ trầm trọng”, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chia sẻ.

Thực tế, thời điểm dịch Covid-19, có tới 7 đầu mối kinh doanh xăng dầu sử dụng QBOXD sai mục đích, không kết chuyển tiền về tài khoản QBOXD mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp gần 7.930 tỷ đồng. QBOXD nằm trong tay doanh nghiệp nên có những trường hợp “tự tung tự tác”, thậm chí lúc kẹt tiền thì rút ra sử dụng. Điển hình là những sai phạm trong sử dụng QBOXD như vụ Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức… trong thời gian qua đã được cơ quan chức năng làm rõ.

Vừa qua, Bộ Tài chính công khai chi tiết tình hình trích lập, chi sử dụng QBOXD của các thương nhân kinh doanh xăng dầu quý 2-2024. Theo đó, số dư QBOXD đầu kỳ là 6.079,4 tỷ; số dư cuối kỳ là gần 6.061 tỷ đồng. Trong đó, số dư QBOXD tại Petrolimex là 3.078,6 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV dầu khí TPHCM 328 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV - Tổng Công ty xăng dầu Quân đội 299,7 tỷ đồng…

Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, thực chất QBOXD là lấy tiền từ túi người tiêu dùng để trợ giá cho chính họ, kiểu lấy tiền túi phải bù túi trái.

“Bản chất hoạt động của QBOXD khác xa so với chương trình bình ổn thị trường mà các địa phương đang triển khai. Nên chăng, có quy định khi giá xăng dầu tăng trên 25.000 đồng/lít thì trích QBOXD dùng ngay và trợ giá 1.200-1.500 đồng/lít. Khi đó, người tiêu dùng mới cảm nhận được sự hỗ trợ từ QBOXD. Ngược lại, chỉ trích từ 200-300 đồng/lít thì chưa đáng kể”, một lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ.

Xem xét bỏ quỹ bình ổn

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, hiện còn nhiều ý kiến trái chiều về việc nên giữ hay buông đối với QBOXD. Chẳng hạn, cơ quan nhà nước cho rằng cần tồn tại, còn phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và nhiều chuyên gia kinh tế góp ý là xem xét bỏ. Khi bỏ quỹ này thì thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Về pháp lý, việc bỏ QBOXD không vi phạm quy định tại Luật Giá năm 2012, cũng như Luật Giá năm 2023. Nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay thì mức độ biến động giá giữa 2 lần điều chỉnh cơ bản không còn lớn.

“Trong các kỳ điều hành vừa qua, cơ quan điều hành gần như không thực hiện trích, chi QBOXD, nhưng thị trường vẫn ổn định. Đánh giá từ thị trường kinh doanh xăng dầu trong nước cho thấy, hiện còn 30 doanh nghiệp đầu mối, gần 400 doanh nghiệp phân phối và nhất là với sự tham gia của 2 nhà máy lọc dầu trong nước nên có thể thấy, nguồn cung được bảo đảm và hệ thống lưu thông phân phối được củng cố. Vì vậy, vai trò của công cụ QBOXD không còn cần thiết như giai đoạn trước đây”, PGS-TS Ngô Trí Long nói.

Bên cạnh đó, nhiều quan điểm bày tỏ việc bỏ QBOXD sẽ khắc phục được một số khó khăn, hạn chế từ trách nhiệm trong quản lý, sử dụng của doanh nghiệp đầu mối, việc tổng hợp theo dõi công bố và kiểm tra giám sát của liên bộ; tránh sự hoài nghi từ dư luận xã hội.

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc nhìn nhận, việc bỏ QBOXD giúp giá xăng dầu phản ánh đúng theo giá thị trường. Thực tế, vai trò điều tiết giá của QBOXD không lớn, tác động không đáng kể đến thị trường, song lại không phản ánh được tính chất của thị trường.

Tại phiên họp gần đây, khi được chất vấn về quan điểm nên giữ hay bỏ QBOXD, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nói, về nguyên tắc đồng tình để trong tương lai xem xét bỏ quỹ nhằm bảo đảm tính thị trường.

Nhưng cũng phải hiểu, QBOXD thực chất ngoài ngân sách, do người tiêu dùng đóng góp và ủy thác cho doanh nghiệp đầu mối thu và gửi vào tài khoản ngân hàng. Tại dự thảo mới về kinh doanh xăng dầu mà Bộ Công thương đã trình Chính phủ xem xét thì trong ngắn hạn vẫn phải giữ QBOXD.

Các tin khác