Quỹ bình ổn xăng dầu - Cần công khai, minh bạch

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet 

 Nguồn: Internet

Bộ Tài chính vừa đưa ra một bức tranh khá toàn cảnh về cơ sở pháp lý, việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu (QBOXD) - vấn đề vốn gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia, người tiêu dùng với cơ quan quản lý về việc quản lý, sử dụng và sự cần thiết của quỹ này ra sao.

Theo quy định, QBOXD được trích lập từ 300-500 đồng/lít-kg của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của thương nhân đầu mối. Việc trích quỹ là chi phí bắt buộc, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhìn lại hơn 2 năm thực hiện, QBOXD đã có những tác dụng khá tích cực, nhất là trên khía cạnh tham gia bình ổn giá xăng dầu nói riêng và thị trường nói chung. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, từ năm 2010 đến nay, nếu không có quỹ này giá xăng dầu trong nước đã phải tăng cao hơn và tần suất tăng cũng nhiều hơn. Ở khía cạnh ngược lại, nhiều quan điểm cho rằng không cần thiết thành lập quỹ này.

Bởi về bản chất, đóng góp cho quỹ này là từ tiền túi của người tiêu dùng và hàng năm dù phải bỏ ra đến gần 4.500 tỷ đồng nhưng họ vẫn có cảm nhận là không được lợi nhiều từ việc trích, sử dụng quỹ và quỹ này chủ yếu làm lợi, bù lỗ cho doanh nghiệp. Chẳng hạn nếu giá xăng dầu thế giới tăng (dù xả quỹ để giữ giá), sau đó doanh nghiệp cũng sẽ được tăng giá.

Còn khi giá thế giới giảm, Nhà nước thường điều chỉnh thuế để bù đắp nguồn thu do phải giảm thuế trước đó, bước giảm giá thường được tính sau cùng. Người tiêu dùng, dù có thể hưởng lợi ích ít nhiều nhờ chưa tăng giá xăng dầu khi xả quỹ nhưng cảm thấy luôn bị thiệt thòi khi phải “tạm ứng” nguồn vốn hoạt động cho quỹ theo kiểu “cho vay không lãi”.

Lòng tin của người tiêu dùng với các quỹ này càng giảm khi Bộ Tài chính từng phát hiện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty Xăng dầu Quân đội chưa trích, sử dụng quỹ đúng quy định. Trong đó, riêng tại Petrolimex, số chi sai lên tới 1.200 tỷ đồng.

Mặt khác, khoảng cách giữa báo cáo của các doanh nghiệp và tính toán của Bộ Tài chính về QBOXD cũng rất lớn. Chẳng hạn, năm 2009 Bộ Tài chính tính toán quỹ phải trích tới 1.000 tỷ đồng, nhưng các doanh nghiệp chỉ trích có 863 tỷ đồng. Cuối năm 2010, các doanh nghiệp báo cáo số dư quỹ chỉ còn có 551 tỷ đồng, đã chi tới 4.900 tỷ đồng, nhưng thực tế quỹ còn dư 1.900 tỷ đồng và trong năm 2010 chỉ chi ra hơn 3.500 tỷ đồng…

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2010, Ban Dân nguyện đưa ra báo cáo giám sát việc thực hiện kiến nghị của cử tri, cho hay: Theo nhiều cử tri, việc sử dụng QBOXD chưa rõ ràng, phân bổ thiếu minh bạch, người tiêu dùng chưa được hưởng lợi nhiều. Từ đó, cử tri kiến nghị nên bỏ quỹ này.

Còn một số doanh nghiệp khác thì kiến nghị việc trích lập quỹ chưa giải quyết bình ổn giá nhưng lại tác động tạo lợi thế cho các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi tích tụ một số vốn từ quỹ này để giảm vốn vay và từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh giá, dẫn đến độc quyền, tiêu diệt cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu.

Hai quan điểm trên đều có lý khi đề cập đến hoạt động của QBOXD hiện nay. Tuy nhiên, phải nhìn nhận vẫn cần thiết có một quỹ để góp phần bình ổn giá thị trường xăng dầu, kiềm chế lạm phát, không làm đảo lộn sản xuất - kinh doanh và không gây ra những bất ổn về kinh tế - xã hội. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao vận hành quỹ này một cách minh bạch, hiệu quả.

Điều này cho thấy cơ chế giám sát việc trích, sử dụng quỹ đang bộc lộ không ít bất cập từ cả góc độ quản lý lẫn người tiêu dùng. Bộ Tài chính không công khai và cũng không có cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp công khai quỹ. Còn người tiêu dùng biết rất mù mờ về hoạt động của quỹ.

Trong khi đó, với doanh nghiệp, thật khó để ép họ không được “động” vào hàng trăm, nghìn tỷ đồng trong quỹ khi họ chưa phải sử dụng.

TS. Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), cho rằng thay vì lấy sự ổn định hình thức của giá xăng dầu trong thời điểm “có tính chất chính trị” làm mục tiêu hàng đầu, quỹ cần lấy việc hỗ trợ chuyển nhanh hoạt động kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường làm ưu tiên số 1.

Mặt khác, cũng cần bãi bỏ ngay cơ chế quản lý  QBOXD như hiện nay vì vừa yếu, vừa thiếu năng lực và trách nhiệm về pháp lý; tức phải coi đây là quỹ quốc gia và phải được quản lý trực tiếp, tập trung bởi Hội đồng quỹ liên ngành và trực thuộc một cơ quan quản lý nhà nước thích hợp.

Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết, cơ quan này đang đề nghị quản lý giá theo hướng đầu vào nhập khẩu có thể lựa chọn và bán theo đúng giá thị trường.

Các tin khác