Quỹ đầu tư chật vật tìm lối thoát

Sau thời gian hoạt động không mấy hiệu quả, các quỹ đầu tư đang niêm yết đều tính đến sự thay đổi. mô hình các quỹ này nhắm đến là chuyển từ quỹ đóng sang quỹ mở.

Sau thời gian hoạt động không mấy hiệu quả, các quỹ đầu tư đang niêm yết đều tính đến sự thay đổi. mô hình các quỹ này nhắm đến là chuyển từ quỹ đóng sang quỹ mở.

Mô hình quỹ mở chưa rõ ràng

Dù gặp nhiều ý kiến phản đối từ phía cổ đông nhưng đã có 3/5 quyết định chuyển đổi mô hình trong mùa ĐHCĐ năm nay. Đến thời điểm này, cả 5 quỹ đầu tư niêm yết trên sàn HOSE đã hoàn tất ĐHCĐ thường niên 2012. Kết quả 3/5 quỹ đã thông qua chủ trương chuyển đổi thành quỹ mở là Quỹ Đầu tư doanh nghiệp hàng đầu (VFMVF4), Quỹ Đầu tư năng động (VFMVFA) và Quỹ Đầu tư tăng trưởng Manulife (MAFPF1).

Theo báo cáo trình tại ĐHCĐ, trong năm 2011 VFMVF4 lỗ ròng 295,2 tỷ đồng, MAFBF1 lỗ 30,4 tỷ đồng, còn VFMVFA lỗ 68,7 tỷ đồng. Trong khi đó, 2 quỹ còn lại là Quỹ Đầu tư cân bằng Prudential (PRUBF1) và Quỹ Đầu tư chứng khoán (VFMVF1) tuy không thông qua quyết định chuyển đổi nhưng cũng nằm trong tình trạng thua lỗ năm qua. Chính vì kết quả tệ hại này, Ban điều hành của 4/5 quỹ đã đưa ra quyết định chuyển thành quỹ mở.

Mục đích của việc chuyển đổi mô hình này nhằm cải thiện tỷ lệ chiết khấu để giá giao dịch và NAV của chứng chỉ quỹ tiến gần nhau hơn, giá giao dịch sau khi chuyển đổi sẽ gần bằng NAV. Hơn hết, mô hình quỹ mở là mô hình tiên tiến và bảo vệ quyền lợi của NĐT trên thế giới đang thực hiện.

Thế nhưng, để mục tiêu này được thông qua, đã có nhiều ý kiến phản đối từ phía cổ đông và NĐT. Việc cổ đông và NĐT còn phân vân về quyết định chuyển từ quỹ đóng sang quỹ mở là hết sức bình thường bởi đây là mô hình còn khá mới mẻ, hiệu quả chưa thật sự rõ ràng.

Chẳng hạn, với quỹ mở NĐT sẽ phải giao dịch trực tiếp với công ty quản lý quỹ thông qua các đại lý nhận lệnh; thời gian giao dịch áp dụng cho quỹ mở sẽ là T+7 thay cho T+4 như hiện nay. Bên cạnh đó, theo quy định trong mỗi lần giao dịch, NĐT có thể rút tối đa đến 10% NAV của quỹ.

Giả sử, nếu việc này xảy ra liên tục chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, NAV của quỹ có thể xuống dưới 50 tỷ đồng là mức phải ngừng giao dịch và dưới 30 tỷ đồng thì quỹ không còn đủ điều kiện để tồn tại nữa. Ngoài khó khăn trên, các cổ đông không hào hứng với việc chuyển đổi mô hình vì phần lớn các quỹ đều bước vào những năm cuối cùng của quỹ.

Thay đổi lớn

Trong 5 quỹ đầu tư đang niêm yết, chỉ duy nhất PRUBF1 không đưa ra kế hoạch mở quỹ trong mùa ĐHCĐ năm 2012. Thế nhưng, trong tình cảnh hiện nay, PRUBF1 buộc phải thay đổi chiến lược đầu tư.

Ông Hendrik Gerrit Ruitenberg, Tổng giám đốc PRUBF1, cho biết sẽ từng bước cơ cấu lại danh mục đầu tư để phù hợp với thời gian hoạt động còn lại chưa đầy 2 năm. Một số giới hạn về đầu tư sẽ được áp dụng trong thời gian này, chủ yếu là yếu tố thanh khoản. Đặc biệt, PRUBF1 còn có kế hoạch đổi tên thành Công ty Quản lý Quỹ Eastspring Investments.

ĐHCĐ của Quỹ MAFPF1 đã quyết định chuyển đổi mô hình thành quỹ mở.

ĐHCĐ của Quỹ MAFPF1 đã quyết định chuyển đổi mô hình thành quỹ mở.

Việc đổi tên này nhằm mục tiêu tạo ra một thương hiệu riêng biệt cho hoạt động quản lý quỹ của Prudential trên toàn cầu và khu vực. Ngoài yếu tố trên, một trong những lý do khiến PRUBF1 quyết định giữ nguyên mô hình có thể đến từ kết quả hoạt động năm 2011.

Dù không mang lại lợi nhuận cho cổ đông nhưng PRUBF1 lại bảo tồn giá trị tài sản ròng tốt hơn các quỹ công chúng khác trên thị trường nhờ danh mục CP mà quỹ này đầu tư không sụt giảm nhiều so với VN Index. Đơn cử các mã CP như VNM (chiếm 15,7% danh mục), FPT (8,8%), MSN (7,6%) và 11,3% vào mã 3 ngân hàng ACB, VCB, CTG.

Tại ĐHCĐ của VFMVF1, với lý do thời gian hoạt động chỉ còn khoảng 2 năm, nên cổ đông và NĐT của quỹ này đã quyết định tiếp tục đóng quỹ thay vì mạo hiểm với mô hình mở. Dù không thông qua được kế hoạch chuyển đổi nhưng ĐHCĐ của VFMVF1 vẫn đưa ra nhiều thay đổi trong năm 2012.

Theo ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFMVF1, nhiệm vụ trọng tâm của quỹ trong năm 2012 là ổn định và gia tăng giá trị ròng, tăng thanh khoản cho các khoản đầu tư.

Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc ưu tiên đầu tư vào các công ty có vốn hóa lớn, tiêu chí về đầu tư giá trị vẫn là tiêu chuẩn đầu tiên trong việc lựa chọn để giải ngân. Song song đó, VFMVF1 tiếp tục điều chỉnh tỷ trọng danh mục nhằm đảm bảo cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro của các khoản đầu tư.

Theo đó, VFMVF1 sẽ thanh toán các khoản đầu tư mà mức tăng trưởng chưa đạt hoặc những công ty bị ảnh hưởng bất lợi từ sự thay đổi của kinh tế vĩ mô.

Dự kiến VFMVF4 sẽ mất 90 ngày để điều chỉnh danh mục và 8 tháng cho việc chuyển đổi, còn VFMVFA chỉ cần 4 tháng chuyển đổi và dự kiến sẽ hoàn tất vào giữa tháng 12-2012. Trong khi đó, MAFPF1 cần từ 9-12 tháng để hoàn tất chuyển đổi. Như vậy nếu mọi việc thuận lợi và theo đúng kế hoạch, VFMVFA sẽ là đơn vị đầu tiên chuyển đổi thành công qua quỹ mở trong năm 2012.

Các tin khác