Đây là một trong những nguyên nhân các quỹ mở đầu tiên chỉ tập trung vào đầu tư trái phiếu chính phủ có thanh khoản tốt và thời gian qua đã sinh lãi khá tốt. Nhưng không thể các quỹ mở lập ra cứ mãi chọn một kênh để giải ngân mà sẽ phải tiến tới đa dạng hóa các hình thức đầu tư, từ đó tạo nên sự khác biệt để NĐT có nhiều sự lựa chọn.
Tập đoàn SCG (Thái Lan) sở hữu chi phối hoạt động của Prime Group, Mekong Capital, bán 6,7% cổ phần tại Thế giới di động thu lãi hơn chục lần…
Petrolimex, BIDV chưa lên sàn, việc cổ phần hóa của Vietnam Airlines cũng chỉ mới ở trạng thái "có kế hoạch", hàng hóa tốt có sẵn trên sàn vốn ít ỏi, mà việc bổ sung thêm theo hướng gia tăng cái sẵn có hoặc thêm những mặt hàng mới cũng rất chậm chạp. |
Đây là những thương vụ hết sức thành công trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức private equity (đầu tư vốn vào các công ty tư nhân) thường được giới đầu tư gọi là PE. Nhưng ở đây lại có 3 rào cản: Thứ nhất, các quỹ mở do tiêu chí hàng đầu là thanh khoản, trong khi đầu tư theo PE đòi hỏi thời gian dài, nên việc quỹ mở tham gia vào hình thức này khó xảy ra.
Cũng đã có những quỹ mở dành một tỷ trọng nhất định cho đầu tư PE, nhưng con số không nhiều và không dễ dàng. Thứ hai, việc tìm ra những công ty tư nhân nói riêng hoặc các doanh nghiệp hiệu quả nói chung không phải dễ trong thời điểm này.
Chưa kể, công ty đã làm ăn tốt, nguồn vốn dòng tiền ổn định chưa chắc cần đến các quỹ đầu tư. Hơn nữa, việc các quỹ mới xuất hiện, chân ướt chân ráo tham gia thị trường, nếu không có tên tuổi hay lợi thế về tiền rõ ràng kém thế hơn so với các quỹ kỳ cựu đã "bám rễ" trên thị trường.
|
Quỹ đầu tư muốn "săn" hàng tốt trên TTCK không dễ. Ảnh: L.THANH |
Săn "của chìm" dưới sàn hơi khó, vậy "của nổi" trên sàn thì sao? Hiện nay cơ cấu sở hữu tại VNM (Vinamilk), công ty được đánh giá tốt nhất thị trường, có 49% thuộc về NĐTNN, 45% thuộc SCIC (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, đơn vị quản lý nguồn vốn nhà nước tại VNM) và 6% còn lại thuộc về cổ đông trong nước.
Những năm qua, hiếm khi nào VNM hở room, còn SCIC tất nhiên cũng không muốn giảm bớt khoản đầu tư "vàng" của mình. Như vậy có nghĩa 94% cổ phần của VNM gần như nằm im, 6% còn lại, tương đương gần 50 triệu CP thực ra cũng không "trôi nổi" thường xuyên trên thị trường vì còn có sở hữu của các cổ đông lâu năm, cán bộ công nhân viên, những người cũng không thường xuyên giao dịch CP, mà nếu có cũng chỉ mua thêm.
Cứ nhìn thanh khoản của VNM qua từng phiên giao dịch thấy rõ: KLGD chỉ tầm 200-300.000 CP/phiên đổ lại, có phiên chỉ vài chục ngàn CP. Quỹ ngoại mua thêm VNM là "không có cửa", nhưng cơ hội dành cho quỹ trong nước cũng hẹp hơn.
GAS (PVGas) có khối lượng CP lưu hành lớn, chưa hết room, làm ăn cũng hiệu quả, quý I vừa rồi công ty mẹ lãi khủng gần 4.200 tỷ đồng, tức là quỹ ngoại và quỹ nội cũng như các NĐT khác đều có cơ hội tiếp cận. Trong báo cáo thường niên năm gần nhất của GAS, tỷ lệ sở hữu của một số quỹ nước ngoài với GAS chỉ 0,1% hay 0,2%.
Theo như công ty công bố, chỉ gần 1,4% cồ phần thuộc về NĐT chuyên nghiệp nước ngoài, còn NĐT chuyên nghiệp trong nước cũng chỉ gần 1,3%, 0,6% là cổ đông khác và lượng sở hữu "siêu áp đảo" còn lại thuộc về PetroVietnam. Nhiều người "đứng trước cửa" nhưng GAS lại chưa "mở cửa". Tóm lại, GAS và VNM hiện tại có giá trị vốn hóa trên mức 100.000 tỷ đồng, tương đương nhau.
Có nghĩa là nếu không mua được VNM là CP có vốn hóa lớn để mô phỏng thị trường thì có thể mua GAS thay thế. Nhưng muốn mua GAS cũng đâu có dễ, bởi PetroVietnam có thoái vốn thì thoái ở những công ty "lôm côm" chứ không bán bớt phần vốn ở một công ty như GAS.
Thị trường có lúc tăng 15-20% hoặc hơn nữa, trong đó lực mua rất lớn của các NĐTNN. Nhiều người mới nhìn vào cho rằng có khi khối ngoại "bốc đồng", vì thị trường sắp tới đỉnh nhào vô làm chi nữa. Nguyên nhân có thể nằm ở việc, một số quỹ trong thời điểm thị trường mới tăng đã không thể "vào hàng" ngay đáy, nên khi thị trường tăng mạnh, nếu không mua vào có thể gặp chất vấn từ các NĐT.
Vậy nên nhiều khi mua mà cũng chẳng đặng đừng. Hiện tượng này là một minh chứng cho áp lực giải ngân vô cùng lớn, mà lẽ thường áp lực càng lớn thì càng dễ sai lầm, mà khi đã sai là sai dây chuyền. Quỹ đầu tư nội giờ huy động được vốn từ NĐT trong nước cũng không chạy khỏi áp lực này, có khi còn lớn hơn nữa.