Phim kinh dị "Mười: Lời nguyền trở lại" gây chú ý cho khán giả
Còn nhiều mơ hồ
Dự thảo lần 5 được giới thiệu tại hội thảo “Bàn về phân loại phim theo lứa tuổi theo Luật Điện ảnh mới ban hành” sáng 5-8 tại TPHCM bổ sung mức phân loại mới: K (phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ). Đây là điểm mới trong thông tư “Quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim” đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi, sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) 2022 được thông qua vào trung tuần tháng 6.
Quy định chi tiết, nhất là với thể loại kinh dị, là mong muốn của các nhà sản xuất
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đánh giá: “Đây là bước tiến vì đã đặt trách nhiệm cho phụ huynh thay vì hội đồng duyệt như trước đây. Phụ huynh khi xem phim cùng sẽ biết con xem gì, có trách nhiệm bảo vệ con trước các nội dung đó”.
Đại diện Công ty cổ phần phim Thiên Ngân và Lotte Cinema cũng cho rằng, mức phân loại K mở ra nhiều cơ hội cho khán giả tiếp xúc với cả phim Việt và phim quốc tế, góp phần giúp rạp mở rộng đối tượng người xem. Trước đó, từng có ý kiến nên có thêm mức phân loại T21 (dành cho khán giả đủ 21 tuổi trở lên). Tuy nhiên, theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, quy định này không phù hợp và tương thích với pháp luật Việt Nam. Bản thân ngành điện ảnh Việt hiện nay cũng không có rạp chiếu phim dành riêng cho các tác phẩm gắn mác trên T18.
Trong dự thảo mới, định tính hay định lượng là vấn đề được nhiều nhà sản xuất (NSX) quan tâm. NSX Trần Thị Bích Ngọc nêu ý kiến: “Các khái niệm: không thường xuyên, không chi tiết, không có thời lượng kéo dài… cần được định lượng tiêu chí cụ thể, thời lượng bao nhiêu % để các doanh nghiệp có căn cứ chính xác hơn”. “Bao nhiêu lần và bao nhiêu lâu” cũng là vấn đề được ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung CGV, đưa ra. Đặc biệt, các tiêu chí về bạo lực, khỏa thân, tình dục, kinh dị… được giải thích trong từng mức phân loại chưa làm hài lòng đa số.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL) càng chi tiết càng giúp doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình áp dụng, nhất là với hình thức tự kiểm phim trên không gian mạng. Trong khi đó, ở góc độ giáo dục, PGS-TS Phan Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, cho rằng, các quy định rõ ràng sẽ giúp các sinh viên biết cái gì được và không được, nên và không nên trong quá trình học, làm nghề thay vì sáng tác rồi mới hậu kiểm.
Một khía cạnh cũng nhận được nhiều sự quan tâm, trao đổi là việc một thông tư áp dụng chung cho cả 3 thể loại: phim chiếu rạp, phim truyền hình và phim phát hành trên các nền tảng trực tuyến. TS Trần Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, đặt dấu hỏi về việc 1 bộ tiêu chí áp dụng cho tất cả có công bằng và gây khó khăn trong quá trình thực hiện hay không. Đại diện Skyline Media mong muốn nên có những quy định phù hợp riêng, bởi cả 3 thể loại có cách tiếp cận và đối tượng khán giả khác nhau.
Thách thức lớn
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phim Giải Phóng, cho rằng: “Luật và các văn bản dưới luật phải đề cao tính hiệu quả, đồng thời kích thích sáng tạo của nghệ sĩ, tạo môi trường lành mạnh trong thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Luật phải mang tính chất động viên, khích lệ cho đội ngũ sáng tạo để NSX không phân vân phim có được chiếu hay không, cắt chỗ nào. Cứ làm mà không rõ ràng, không khích lệ, chính luật sẽ làm hạn chế sáng tạo của nghệ sĩ”.
Một câu hỏi được đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đặt ra, vì sao cần dán nhãn theo độ tuổi? Anh dẫn chứng, ở hầu hết các nước, công việc này nhằm bảo vệ trẻ em và người vị thành niên. Ngoài dán nhãn, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng nhấn mạnh việc ghi rõ dán nhãn vì lý do gì. Việc đưa ra cảnh báo cũng rất quan trọng, điều này giúp phụ huynh biết nên hay không nên cho con xem phim. Do đó, anh đề xuất nên có bộ nhãn dán sử dụng chung cho tất cả thể loại phim. Quy định thời lượng cảnh báo để khán giả đọc kịp, có cảnh báo xuyên suốt nằm ở góc màn hình đối với phim T16 và T18 là ý kiến được đại diện Skyline Media đưa ra. Hiện tại việc hiển thị và cảnh báo mới chỉ được quan tâm với phim chiếu rạp.
Một vấn đề khác cũng nhận được nhiều quan tâm, đó là các biện pháp chế tài đi kèm. Ông Lê Thanh Liêm cho rằng, các quy định đã có nhưng cần thiết tăng thêm hình thức xử phạt theo luật mới nhằm tăng tính răn đe, nhất là với phim phát hành trên không gian mạng. Hiện, mức xử phạt tối đa hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa là 50 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng với tổ chức. “Không có các biện pháp chế tài mạnh, việc phân loại phim liệu thực sự có kết quả hay không? Chúng ta làm, suy nghĩ cẩn trọng nhưng khi áp dụng thực tế không nghiêm túc cũng thành vô nghĩa”, nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long nhận định.
Theo ông Vi Kiến Thành, quá trình soạn thảo thông tư, phía Cục Điện ảnh đã tham khảo ý kiến của nhiều quốc gia: Pháp, Thái Lan, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… Dự kiến tháng 11, thông tư sẽ được trình lên Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL xem xét. Ông mong muốn thông tư minh bạch, công khai, cụ thể, dễ thực hiện cho cả cơ quan nhà nước và các đối tượng liên quan. “Mong muốn là vậy. Thực tế còn là quá trình”, ông Vi Kiến Thành nhìn nhận.
5 mức phân loại phim được đưa ra trong thông tư lần này gồm: loại P (phổ biến cho mọi độ tuổi), T18 (tên cũ là C18 - phim được phép phổ biến đến người xem từ 18 tuổi trở lên), T16 (phim được phép phổ biến đến người xem từ 16 tuổi trở lên), T13 (phim được phép phổ biến đến người xem từ 13 tuổi trở lên), C (không được phép phổ biến) và K (phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ). |