(ĐTTCO) - Góp ý hiệu chỉnh Quy hoạch điện VII - Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, có 2 vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện quy hoạch là dự báo vượt xa nhu cầu sử dụng điện, và tỷ lệ nhiệt điện chiếm tỷ lệ quá lớn trong tổng cơ cấu nguồn điện.
Dự báo chênh 16 tỷ kWh điện/năm
Quy hoạch điện VII dự báo sản lượng điện cần sản xuất giai đoạn 2010 - 2030 như sau: Năm 2010 đạt 100 tỷ kWh, năm 2015 đạt 194,3 tỷ kWh, năm 2020 đạt 329,4 kWh, năm 2025 đạt 489,6 tỷ kWh, và đến năm 2030 sẽ đạt 695,1 tỷ kWh.
Do nguồn năng lượng sơ cấp trong nước có hạn nên Quy hoạch điện VII đã phải tính đến phát triển nhiệt điện than là nguồn điện chính.
Theo đó, cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 được dự báo như sau, tổng công suất các nhà máy điện trên cả nước ước đạt 137.000 MW, sản lượng điện sản đạt 695 tỷ kWh. Trong đó, sản lượng thủy điện đạt 60,3 tỷ kWh (khoảng 8,7%), nhiệt điện than đạt 431,0 tỷ kWh (62,0%), nhiệt điện khí đạt 90,9 tỷ kWh (13,1%), năng lượng tái tạo 13,7 tỷ kWh (2,0%), điện hạt nhân 74,4 tỷ KWh, nhập khẩu điện 24,9 tỷ kWh (3,6%).
![]() |
Ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc GreenID cho hay, theo kết quả khảo sát nghiên cứu của GreenID, cho tới năm 2013 sau hơn 3 năm thực hiện Quy hoạch điện VII đã cho thấy dự báo sản lượng điện đang vượt xa nhu cầu thực tế.
Cụ thể, Quy hoạch điện VII dự báo nhu cầu điện năm 2013 sẽ đạt 131 tỷ kWh nhưng thực tế tiêu thụ điện năm 2013 chỉ đạt 115 tỷ kWh, tức quy hoạch dự báo cao hơn so với nhu cầu thực tế 16 tỷ kWh. Về dự báo công suất nguồn điện trên cả nước, dự báo đạt 23,957 MW, thực tế đạt 20,01 MW, chênh nhau 3,947 MW.
GreenID đánh giá, dự báo nhu cầu điện là khâu quan trọng nhất trong các quy hoạch phát triển nguồn điện. Dự báo chính xác hoặc tương đối chính xác sẽ góp phần phát triển hài hòa nguồn điện, truyền tải và phân phối điện. Dự báo nhu cầu điện năng cao sẽ dẫn đến khó khả thi khi thực hiện vì đòi hỏi nguồn vốn quá lớn, lãng phí, khó khăn trong việc huy động vốn phát triển nguồn điện. Kéo theo đó là tình trạng xây dựng nhà máy xong sẽ thừa nguồn cung điện, gây lãng phí đầu tư và tăng ô nhiễm môi trường.
Cũng theo GreenID có 2 nguyên nhân dẫn đến dự báo sai nguồn cung điện đó là: Quy hoạch điện VII được xây dựng trên cơ sở đầu vào là dự báo tăng trưởng GDP giai đoạn 2010 - 2015 đạt từ 7,5 - 8%. Nhưng thực tế tăng trưởng GDP cả giai đoạn này chỉ đạt mức trung bình khoảng 6%/năm. Bên cạnh đó, phương pháp luận tính toán trong Quy hoạch điện VII cũng chưa chuẩn, số liệu cơ sở tính toán còn thiếu.
Giảm nhiệt điện than tăng điện tái tạo
Đánh giá về Quy hoạch điện VII, GS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học nhiệt Việt Nam cho rằng, Quy hoạch điện VII được xây dựng cho 10 năm, dài hơn các quy hoạch điện trước kia 5 năm là cần thiết. Việc hiệu chỉnh cho phù hợp thời điểm hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, việc hiệu chỉnh quy hoạch điện cần những liên hệ ngang với các quy hoạch khác như quy hoạch giao thông đường biển, quy hoạch cảng nước sâu, gắn với địa điểm cụ thể để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch.
Giảm dần tỷ lệ nhiệt điện than trong tổng cơ cấu nguồn điện thời gian tới là cần thiết, nhưng phải tính toán kỹ bởi lợi thế của nhiệt điện than là giá thành sản xuất rẻ trong khi các nguồn điện tái tạo có giá thành sản xuất cao hơn gấp nhiều lần. Mặt khác nguồn điện tái tạo thường chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu nguồn điện.
Nếu xét ở góc độ môi trường thì nhiệt điện than là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất, nhưng giá thành sản xuất rẻ, chỉ đứng sau thủy điện. Cụ thể, giá 1 kWh nhiệt điện than khoảng 7-7,5 cent, nhiệt điện khí từ 13 - 14 cent. Nếu không phát triển nhiệt điện than thì khó đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển trong tương lai.
Còn PGS Nguyễn Minh Duệ, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nêu quan điểm, quy hoạch điện là bài toán phức tạp vì nó liên quan đến bài toán phát triển kinh tế xã hội, và quy hoạch tổng thể về năng lượng. Hiện Việt Nam chưa có quy hoạch tổng thể về năng lượng nên khó khăn xây dựng quy hoạch điện chuẩn. 10 năm rồi, theo dự báo tăng trưởng điện ở mức 14%/năm nhưng thực tế chỉ tăng khoảng 10%/năm.
Để bổ sung quy hoạch điện sắp tới cần làm dự báo lại chứ không thể lấy dự báo trước đây làm thông số đầu vào. Nếu đầu vào không tốt thì đầu ra không tin cậy, dự báo không sát làm tăng nguồn vốn đầu tư lên rất nhiều. Về cơ cấu nguồn nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII, PGS Nguyễn Minh Duệ cho rằng tỷ lệ cơ cấu nguồn nhiệt điện than trên 60% là quá cao, trong khi lượng than trong nước không đủ cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện phải đi nhập là một bất lợi. Giá điện than thành phẩm theo khảo sát của GreenID trong những năm qua đã lên tới 8 - 9 cent/kWh, nên cần tính toán để đa dạng hóa nguồn cung điện với một tỷ lệ điện than thích hợp.
Cũng theo vị này, việc đa dạng hóa nguồn cung điện nên tính toán đến các nguồn cung từ nhiệt điện khí và thủy điện nhỏ. Cả nước hiện có trên 100 công ty thủy điện nhỏ, cần tính toán và đưa sản lượng điện này vào việc hiệu chỉnh Quy hoạch điện VII.
Dù ủng hộ việc giảm dần tỷ lệ nhiệt điện than trong tổng sơ đồ điện thời gian tới nhưng các chuyên gia về năng lượng cũng cho rằng, dù có giảm tỷ lệ thì nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu điện năng. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần xác định một tỷ lệ phát triển nhiệt điện than phù hợp từ nay tới 2020, tiếp đó là việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than những năm tới cần hướng tới công nghệ hiện đại, công nghệ xanh để giảm dần tác động đến môi trường.