Đôi lúc, việc thực hiện đúng quy hoạch lại không được tôn trọng. Hàng loạt lý do được viện dẫn để xin điều chỉnh và không tuân thủ theo quy hoạch đã để lại những hệ lụy xấu cho đô thị.
Tại hội nghị của ngành xây dựng tổ chức hồi đầu năm, chính Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra: “Hiện chúng ta đang rất thiếu vai trò của một nhạc trưởng, một đốc công trong lĩnh vực quản lý đô thị.”
Thiếu tính kết nối
Từ 4 năm trước đã có quy định về Ban Quản lý, phát triển đô thị giúp chính quyền địa phương lập kế hoạch phát triển đô thị theo quy hoạch.
Từ đó tổ chức thực hiện, quản lý trên khu vực phát triển đó, cả các nguồn lực Nhà nước, ngoài Nhà nước, bảo đảm sự kết nối hạ tầng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà thầu. Nhưng thực tế việc triển khai còn chưa quyết liệt và lúng túng.
Nhấn mạnh việc thiếu một nhạc trưởng, đốc công trong lĩnh vực quản lý đô thị, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng cho rằng, điều này xuất phát từ việc quản lý đô thị theo quy hoạch nhưng lại thiếu đi kế hoạch thực hiện.
Bởi vậy, tại nhiều đô thị đang xảy ra tình trạng đầu tư lớn vào phát triển nhà ở tại các đô thị lớn nhưng lại không kiểm soát chặt chẽ nên dễ dẫn đến tình trạng đầu tư theo phong trào; tạo ra "bong bóng" bất động sản, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đơn cử như Quy hoạch xây dựng Thủ đô là quy hoạch đầu tiên được Bộ Chính trị chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng những việc chưa làm được đang gây bức xúc lớn cho người dân vẫn diễn ra hàng ngày như tắc nghẽn giao thông, lụt lội vào mùa mưa, nhà siêu mỏng-siêu méo, quá tải nhà cao tầng trong nội đô…
Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Trần Trọng Tuấn nhận xét, bất cập giữa phát triển nhà ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật ở đô thị hiện nay là do phát triển nhà ở.
Nhiều công trình theo quy hoạch đã được phê duyệt, công bố nhưng các dự án, công trình phát triển đô thị, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, lại không theo kịp. Thậm chí, có sự kết nối giữa các công trình nhưng lại chưa đảm bảo theo đúng quy định của Luật Xây dựng là phải kết nối đồng bộ và thống nhất.
Có những nơi, kết nối đồng bộ đã đáp ứng yêu cầu nhưng lại chưa có sự thống nhất giữa chỉ tiêu nhà ở với chỉ tiêu của hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị…
Muốn gỡ nút thắt này, các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cần hoàn thành chương trình phát triển nhà ở trên cơ sở chương trình phát triển đô thị để khắc phục bất cập về giao thông, hạ tầng kỹ thuật hiện nay, ông Tuấn đề xuất.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, năm 2017, Bộ Xây dựng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ rà soát, kiểm tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch của tất cả các khu đô thị trên toàn quốc; đặc biệt là những khu đô thị lớn để đảm bảo chất lượng của các đô thị được quản lý theo quy hoạch.
Khi quy hoạch bị phá vỡ
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà từng lên tiếng, lúc lập bất kỳ một quy hoạch nào đều có sự tham gia, góp ý của tất cả các bên liên quan, nhưng khi thực hiện điều chỉnh thì chỉ có một vài bên, một nhóm cán bộ tham gia vào việc điều chỉnh. Bởi vậy, không kiểm soát được chất lượng quy hoạch điều chỉnh.
Đây cũng chính là lý do để cần phải hoàn thiện thể chế để hệ thống luật về phát triển đô thị cũng như quy hoạch đô thị, tạo ra công cụ quản lý rõ ràng việc thực hiện quy hoạch cũng như điều chỉnh quy hoạch.
Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) là một điển hình về việc bị điều chỉnh nhiều lần dẫn đến phá nát quy hoạch và gây bức xúc trong dư luận người dân Thủ đô.
Nhiều kiến trúc sư, nhà quy hoạch bày tỏ sự tiếc nuối về một không gian được quy hoạch khá “chuẩn” của Linh Đàm hơn chục năm về trước. Thế nhưng, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, khu vực này đã bị “băm nát,” nhất là trong vài năm gần đây.
Trên khu đất HH rộng chừng 3ha đã mọc lên tới 12 tòa nhà cao tầng của chủ đầu tư Công ty tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) với mật độ xây dựng lên tới 50%, phá vỡ hoàn toàn cảnh quan kiến trúc toàn khu vực.
Cùng đó, khu đất VP6 cũng của Tập đoàn Mường Thanh được quy hoạch là khu nhà ở thấp tầng nằm phía Bắc bán đảo Linh Đàm, cạnh đường vành đai 3 nhưng lại biến thành tòa nhà cao tới 35 tầng, chắn một góc bán đảo Linh Đàm.
Khu đô thị này giờ đã mất đi điểm nhấn, phát triển lộn xộn, không còn tuân theo quy hoạch và cảnh quan thiết kế ban đầu. Các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch cũng thường xuyên diễn ra nhưng điều chỉnh quá mức như ở Linh Đàm gây ảnh hưởng rất xấu và sẽ tạo tiền lệ không tốt.
Gần đây, dư luận đang “nóng” lên khi Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng - đơn vị được thành phố giao cải tạo chung cư cũ Thành Công đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy một phần diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ.
Theo Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng, phần diện tích bị lấp để xây nhà tái định cư sẽ được đào hoàn trả trong dự án mới. Doanh nghiệp này cho rằng, sẽ hoàn trả đúng diện tích công viên và hồ Thành Công vào trong ranh giới quy hoạch được giao, đảm bảo tỷ lệ cây xanh, mặt nước đô thị theo đúng quy hoạch phân khu.
Như vậy, thực tế, diện tích mặt nước hoàn toàn không thay đổi so với diện tích cũ, đồng thời lại khai thác cảnh quan hồ Thành Công cho khu vực được hiệu quả hơn rất nhiều do gắn kết công viên hồ với cộng đồng dân cư trong đô thị.
Ý tưởng này cũng được đánh giá là một cách làm mới nhưng dư luận hồ nghi bởi theo tính toán, chi phí từ việc nghiên cứu đề xuất cho đến triển khai xây dựng sẽ tăng rất nhiều so với cách làm truyền thống. Lý do nào khiến doanh nghiệp chịu bỏ chi phí lớn như vậy vẫn là nghi vấn.
Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thừa nhận, có những đề xuất mà ngay cả thành phố chưa thể quyết được. Đề xuất lấy 1ha hồ Thành Công làm tái định cư, phục vụ người dân và cả lợi ích doanh nghiệp. Thế nhưng liệu thành phố có dám xóa bỏ quy hoạch khu vực này và chủ đầu tư liệu có đào được hồ như cam kết…
Đứng ở góc độ chuyên gia, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc và đô thị Hà Nội khẳng định, đề xuất này không theo quy hoạch. Giải pháp “lấp” chỗ này, “khoét” chỗ kia chưa tính tới tổng thể quy hoạch, cũng không tuân theo quy hoạch chung.
Doanh nghiệp mới đưa ra phương án cân bằng diện tích mặt nước nhưng không tính tới mối liên kết với hạ tầng khung xung quanh ra sao. Doanh nghiệp mới tính phần lợi cho mình nhanh hơn, như vậy là không được, ông Đào Ngọc Nghiêm thẳng thắn.
Cần sự kết hợp nhịp nhàng
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, các đối tượng chịu tác động của quy hoạch chính là người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc quyết định điều chỉnh quy hoạch không nằm trong quyết định của họ.
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nếu như doanh nghiệp tuân thủ quy hoạch, lựa chọn phương án đầu tư vào một khu đô thị phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt thì liệu có xảy ra hệ lụy tắc đường, kẹt xe như hiện nay, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đặt vấn đề.
Tuy nhiên, cũng không thể đổ lỗi cho một vài doanh nghiệp lớn khi họ cố tình xin điều chỉnh quy hoạch. Nếu doanh nghiệp “có tâm,” có ý thức xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, phục vụ cộng đồng thì sẽ không bao giờ kiếm tiền bằng mọi giá để gây hệ lụy tiêu cực trong tương lai gần.
Trên thực tế, cần phải xem xét vai trò của chính quyền địa phương. Trường hợp điều chỉnh quy hoạch mà đem lại hệ lụy thì một nửa lỗi tại doanh nghiệp và nửa lỗi tại chính quyền địa phương.
Nếu như không có được sự đồng thuận của chính quyền địa phương và họ không tùy tiện, thiếu trách nhiệm thì doanh nghiệp cũng không thể tự ý điều chỉnh quy hoạch. Điều này càng khẳng định rõ vai trò và tầm quan trọng của những doanh nghiệp lớn và chính quyền địa phương trong cam kết tuân thủ đúng quy hoạch đô thị.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua, tại không ít đô thị, hiệu quả của công tác quy hoạch đô thị trong bài toán phát triển kinh tế đô thị chưa nổi bật, thậm chí nếu có phát triển thì thiếu bền vững.
Nhiều đô thị đã lồng ghép được bài toán quy hoạch trong bài toán tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội của đô thị nhưng vẫn “yếu” khi xây dựng kế hoạch phát triển dựa trên các kịch bản đã được xác lập trong các đồ án-đề án quy hoạch.
Bởi vậy, những kế hoạch phát triển đô thị được xây dựng theo cách làm hiện nay thường chỉ là những “mảng ghép” của các dự án mà Nhà nước có đủ ngân sách để đầu tư, hoặc các nhà đầu tư muốn thực hiện vì các lợi ích riêng, tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa chỉ rõ.
Công tác xây dựng kế hoạch phát triển đô thị đã vậy mà còn thường xuyên bị chi phối dẫn đến sự điều chỉnh liên tục thì không còn là kế hoạch nữa. Chính cách quản lý phát triển đô thị này đã làm suy giảm hiệu quả của công tác quy hoạch, ảnh hưởng đến đến bài toán phát triển kinh tế đô thị.
Để công tác quy hoạch đô thị luôn tác động tích cực-đồng bộ với phát triển kinh tế-xã hội thì cần quan tâm tới việc xây dựng hệ thống đồ án-đề án quy hoạch cho phù hợp; kế hoạch phát triển đô thị hợp lý phải dựa trên cơ sở các nguồn lực đầu tư có thể kiểm soát được trong tương lai.
Vượt lên tất cả là các cấp chính quyền phải quản lý phát triển đô thị một cách “công khai-minh bạch” và có trách nhiệm giải trình. Các nước trên thế giới phát triển bền vững được đều phải tôn trọng các quy tắc “vàng” này, tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa nhận xét.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, một mặt phải tiếp tục hoàn thiện thể chế phục vụ cho công tác quản lý phát triển đô thị tốt hơn, mặt khác cần được sự đồng tình, ủng hộ của các Bộ, ngành cũng như địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Mỗi một quy hoạch dù nhỏ, do Bộ Xây dựng chủ trì đều có sự tham gia, đóng góp ý kiến của rất nhiều bộ ngành liên quan và đặc biệt là địa phương-đơn vị thụ hưởng.
Nếu như Bộ, ngành và địa phương nào cũng có trách nhiệm nghiên cứu kỹ và có ý kiến đóng góp xác đáng, chất lượng của quy hoạch sẽ tốt hơn rất nhiều, người đứng đầu ngành xây dựng quả quyết.