Quy hoạch phát triển sông Sài Gòn: Tai họa nếu không ứng xử đúng đắn

(ĐTTCO)-Nhiều ý kiến cho rằng sông Sài Gòn vẫn còn hoang sơ, chưa được chú trọng phát triển đúng với tiềm năng. Các chuyên gia cảnh báo tai họa nếu không ứng xử đúng đắn với dòng sông Sài Gòn.
Quy hoạch phát triển sông Sài Gòn: Tai họa nếu không ứng xử đúng đắn

Các chuyên gia đồng quan điểm cho rằng sông Sài Gòn là con sông di sản gắn với lịch sử, văn hóa con người TP.HCM và có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, một bộ phận người dân đang quay lưng và ứng xử không tương xứng với giá trị của dòng sông Sài Gòn mang lại.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc Công ty EnCity (Singapore) nhận định, toàn bộ sự phát triển của TP.HCM hiện nay dựa trên bản quy hoạch thành phố năm 1790. Hiện chỉ 5% chiều dài dòng sông Sài Gòn được là không gian công cộng. Ông Dũng đề xuất thời gian tới,  TP.HCM cần gia tăng hệ số sử dụng đất để tạo không gian công cộng.

“Sông Sài Gòn phải là mặt tiền đô thị. Mặc dù sông Sài Gòn đi qua trung tâm TP.HCM nhưng phần lớn đô thị đang quay lưng với con sông này. Trong khi đó, đây là không gian mở quan trọng nhất và tốt nhất mà chúng ta đang có. Chúng ta cần phải biến nó trở thành mặt tiền của toàn bộ TP.HCM” - ông Nguyễn Đỗ Dũng nói.

Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh nhận định, sông Sài Gòn uốn lượn đi qua những cánh rừng Củ Chi ở phía Bắc, phía Nam có rừng Sác – Cần Giờ tạo nên trục bố cục chính của tổng thể TP.HCM, là cấu trúc đô thị lý tưởng, rất giống với đô thị Paris của Pháp.

Với đặc thù chế độ thủy văn bán nhật triều, sông Sài Gòn không giống như sông Hương ở Huế hay sông Hàn ở Đà Nẵng. Dòng chảy của sông Sài Gòn thay đổi liên tục, buổi sáng dòng nước chảy ra, buổi chiều nước lại chảy vào. Do đó, kiến trúc sư Hồ Viết Vinh nhấn mạnh, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân TP.HCM phải lớn gấp 2 - 4 lần người dân sống dọc các con sông khác. Bởi rác thải do con người xả ra sông Sài Gòn sẽ mãi nằm đó, không thể trôi ra biển được.

Ngoài ra, phát triển nhà cao tầng ven sông cũng là vấn đề được các chuyên gia quan ngại, bàn luận tại hội thảo và đưa ra cảnh báo tai họa trong tương lai.

Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh cho biết: “Gió ở sông Sài Gòn được điều phối từ vịnh Cần Giờ thổi vào đô thị. Khi chúng ta bê-tông hóa (phát triển nhà cao tầng ven sông – PV) bên trong đô thị TP.HCM sẽ rất ngột ngạt, nhiệt độ ở sẽ rất cao do không trao đổi nhiệt được với bờ sông. Như vậy nửa thế kỷ nữa, TP.HCM sẽ rất nóng bức. Chúng ta không nên đổi một chút tăng trưởng GDP để cả một đô thị lớn chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu do quá trình đảo nhiệt đô thị gây ra”.

Các tin khác